Mưa nhiều, làng cúc dược liệu Hưng Yên lao đao vì mất giá

Chia sẻ Zalo

Thôn Nghĩa Trai (Tân Quang, Văn Lâm, Hưng Yên), từ xa xưa sống bằng nghề trồng cúc và chế biến dược liệu. Đến nay, làng nghề vẫn được duy trì vì năng suất hơn trồng lúa. Tuy nhiên, năm nay giá hoa cúc hạ một nửa so với năm ngoái.

Những ngày giáp Tết là thời điểm cúc dược liệu ở Nghĩa Trai vào kỳ nở rộ. Sắc vàng bao phủ cả cánh đồng, không khí mùa xuân tràn ngập thôn xóm. Nhưng việc thu hái không rộn ràng như mọi năm vì trời mưa khiến hoa trượt giá.

Thời tiết không thuận lợi

Cúc ở Nghĩa Trai được trồng từ tháng 6 đến tháng 8 âm lịch, thu hoạch vào tháng Một, tháng Chạp Âm lịch. Nếu chăm sóc tốt, thời tiết thuận lợi ra Tết vẫn còn được thu hái.

Trồng cúc ngoài kỹ thuật vun xới, chăm bón còn phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết. Nếu gặp tiết trời ấm, hoa cúc nở rất nhanh, không thu hái kịp thời hoa sẽ bị đen, bông nhẹ hơn và khi sơ chế sản phẩm có màu không đẹp. Nếu gặp mưa rét, bông hoa không nở bung hết mà bị lép và màu xám lại.

Năm nay, vào đúng vụ thu hoạch thì mưa triền miên nên hầu hết các hộ thất thu.

Ông Đình Kinh (54 tuổi, thôn Nghĩa Trai) chân đi ủng, mặc quần áo mưa, ngồi ngắt từng bông búc bùi ngùi chia sẻ: “Mùa Đông năm nay nhiều mưa, lại trúng vụ thu hái nên hoa bị đen, bị hỏng nhiều lắm. Thuê nhân công lại càng khó vì phải ngồi giữa các luống để hái, mưa bẩn nên ai cũng ngại đi. Hai vợ chồng tôi cứ thui thủi, hái được bao nhiêu thì hái.”
Ông Đình Kinh phải mặc áo mưa để hái Cúc, nhiều bông đen và hỏng. (Ảnh: Phan Xâm/Vietnam+)
Ông Đình Kinh phải mặc áo mưa để hái Cúc, nhiều bông đen và hỏng. (Ảnh: Phan Xâm/Vietnam+)
Cách ruộng nhà ông Kinh hai ô là ruộng cúc 3 sào đã nở vàng rực của chị Đỗ Thị Hoạt (32 tuổi). Tuy nhiên mới chỉ hái được một phần nhỏ. “Nhà tôi trồng nhiều, cúc bung hoa hết rồi mà không thuê được người hái. Trời mưa dầm dề mãi, hoa vừa đen vừa tả hết cả,” chị Hoạt nói khi đang khẽ rẽ lối vào để ngắt bông. Khi liên tục phải bỏ những bông đen chị lắc đầu nói: “Bao nhiêu công trồng, chăm sóc, đúng lúc nở rộ trời lại mưa. Năm nay, chưa kể công mình bỏ ra có khi hòa vốn.”

Nếu trồng lúa có thể được 2 vụ một năm, nhưng với cúc, thời gian kéo dài 6 đến 7 tháng nên chỉ canh tác được một vụ. Thu nhập của người dân Nghĩa Trai trông chờ vào cúc là chủ yếu.”

Lao đao vì thất thu

Trồng hoa cúc tuy vất vả nhưng mang lại thu nhập khá cho nông dân, hiệu quả hơn trồng lúa. Giá thu mua hoa cúc khô từ 150 – 200 nghìn đồng/kg, trung bình trừ chi phí chăm, mỗi sào mang lại thu nhập 6 – 8 triệu đồng. Tuy nhiên, với vụ năm nay, giá cúc giảm một nửa.

Ông Kinh cho biết: “Năm ngoái, giá cúc tươi dao động từ 30 – 40 nghìn một cân, năm nay bán chỉ được từ 15 – 20 nghìn. Nhà nào trồng nhiều thì coi như mất mùa”. Hỏi vì sao hoa cúc mất giá, ông Kinh nói, năm nay nhiều người trồng hơn mọi năm, hoa không còn khan hiếm nên nhu cầu thị trường dễ được đáp ứng.

Ở ruộng bên cạnh chị Huyền đang hái hoa cũng chia sẻ: “Tôi làm việc công ty, nên chỉ canh tác được khoảng 1 sào. Mọi năm, khoản thu nhập này từ cúc đủ sắm cái tết, năm nay nửa cái tết cũng khó. Những hộ có từ 3 sào còn khó khăn hơn nhiều”.

Thời tiết mưa nhiều, năng suất kém, thuê nhân công lại càng khó và đắt hơn. Hầu hết người trẻ trong làng đều đi làm công nhân ở khu công nghiệp, bí bách quá nhiều nhà phải thuê cả học sinh đi thu hái.

Chỉ sang ô ruộng ươm đào bên cạnh chị Hoạt nói: “Sang năm trồng ít cúc để giữ nghề thôi, còn đâu tôi chuyển sang trồng đào, cứ như năm nay có mà chết đói. Năng suất đã kém, 1 cân cúc chỉ được 20 nghìn, thuê người hái mất 10 nghìn 1 cân, chưa kể còn phải nài nì, nói khéo mới thuê được.”

Cúc Nghĩa Trai đã trở thành thương hiệu, thành nghề của người dân nơi đây. Khi nhắc đến ai cũng biết cúc có tác dụng như một dược liệu, một vị thuốc nam, thuốc bắc, có thể dụng làm trà uống nước, có thể chữa bệnh đau đầu, chóng mặt, cao huyết áp…Tuy nhiên, việc giữ nghề phụ thuộc vào thu nhập từ hoa cúc để ổn định cuộc sống của người dân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần