Mực nước sông Hồng tại Hà Nội đang xuống dần

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Số liệu quan trắc sáng nay (22/8) cho thấy, mực nước trên thượng và hạ lưu sông Hồng đang xuống dần.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, lưu lượng lớn nhất tại trạm Mạn Hảo (Trung Quốc) phía thượng nguồn sông Hồng (cách đập Mã Đổ Sơn, về phía hạ lưu khoảng 10km, cách biên giới Việt Nam - Trung Quốc khoảng 85 km) là 1.050 m3/s (vào lúc 19 giờ ngày 20/8).
Với lưu lượng xả như trên của hồ chứa thủy điện Mã Đồ Sơn, mực nước sông Hồng tại TP Lào Cai đã đạt đỉnh ở mức 80,55m (trên báo động 1: 0,55m) vào lúc 5h ngày 21/8. Đến 7 giờ sáng nay (22/8), mực nước trên sông Hồng tại TP Lào Cai đã rút xuống còn 79,21m (dưới báo động 1: 0,79m).
 Mực nước sông Hồng tại trạm thủy văn Hà Nội đang xuống dần
Trong khi đó, mực nước sông Hồng tại các trạm hạ lưu cũng đều xuống dưới mức báo động 1. Tại trạm thủy văn Hà Nội (khu vực cầu Long Biên), mực nước sông Hồng lúc 7h ngày 22/8 là 5,36m (dưới báo động 1: 4,14m).
Theo nhận định, trong ngày 22/8, Bắc Trung Bộ và vùng núi Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to (phổ biến 20 - 50mm/24h, có nơi trên 70mm/24h). Mực nước trên các sông suối khu vực thượng lưu lưu vực sông Hồng - Thái Bình sẽ lên lại, kéo theo xuất hiện đợt lũ với biên độ lũ lên từ 1 - 3m. Ngày 22/8, mực nước đỉnh lũ trên sông Thao có khả năng lên mức báo động 2; thượng lưu sông Chảy và các sông suối nhỏ lên mức báo động 1 – báo động 2.
Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai Vũ Xuân Thành cho biết, diễn biến mưa lũ trong ít ngày tới còn phức tạp. Do đó, đề nghị các địa phương khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ tiếp tục triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân đề phòng lũ quét, sạt lở đất, sẵn sàng phương án di dời các hộ dân trong vùng có nguy cơ sạt trượt cao.
Các địa phương miền núi phía Bắc tổ chức thường trực đến thôn 24/24h để theo dõi, cảnh báo, xử lý các tình huống có thể xảy ra. Cử người canh gác, cắm biển cảnh báo hoặc rào chắn các ngầm tràn để đảm bảo an toàn cho người dân đi lại. Cùng với đó, kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.