Mức phí nước thải theo Nghị định 53/2020/NĐ-CP: Vẫn khó bù đắp được kinh phí xử lý

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghị định 53/2020/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ 1/7/2020, quy định phí bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nước thải được đánh giá là rõ ràng, đầy đủ về đối tượng nộp phí. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với thực tế xả thải, mức phí mới vẫn không thấm vào đâu so với kinh phí bỏ ra để xử lý ô nhiễm.

 Nâng cao ý thức của chủ xả thải
Theo Nghị định 53/2020/NĐ-CP, mức phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt là 10% trên giá bán của 1m3 nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Trường hợp cần áp dụng mức phí cao hơn, HĐND tỉnh, TP quyết định mức phí cụ thể với từng đối tượng chịu phí. Đối với nước thải công nghiệp, cơ sở có tổng lượng nước thải trung bình trong năm dưới 20m3/ngày (24 giờ) áp dụng phí cố định tính theo khối lượng nước thải (không áp dụng mức phí biến đổi) năm 2020, áp dụng mức phí BVMT 1.500.000 đồng/năm; kể từ ngày 1/1/2021 trở đi là 4.000.000 đồng/năm (tức tăng hơn gấp đôi so với qui định cũ - PV)…
 Trạm xử lý nước thải Yên Sở. Ảnh: Thanh Hải
Trao đổi về quy định mới này với Kinh tế & Đô thị, ông Phạm Văn Cường - nguyên Giám đốc Ban QLDA thoát nước Hà Nội (nay là Ban QLDA đầu tư Công trình Cấp, thoát nước và môi trường TP) nhận định, Nghị định 53/2020/NĐ-CP rõ ràng và đầy đủ hơn Nghị định 154/2016/NĐ-CP. Các đối tượng phải nộp phí BVMT thể hiện rõ nguyên tắc “người xả thải phải trả tiền”. Điều này, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của đơn vị, cá nhân, hộ gia đình trong việc BVMT; hạn chế việc xả thải, nhất là nước thải có chứa chất độc hại. Tuy nhiên, ông Cường cho rằng, mức phí này vẫn khó có thể bù lại kinh phí xử lý nước thải, nhất là đối với nước thải công nghiệp. Trong khi đó, việc thu phí cũng không đơn giản đối với các hộ gia đình, cá nhân nhỏ lẻ trong ngõ ngách, khu dân cư.
Đồng quan điểm này, chuyên gia Đỗ Thanh Bái – Giám đốc Trung tâm An toàn hóa chất BVMT của Hội Hóa học Việt Nam đánh giá, quy định tại Nghị định 53/2020/NĐ-CP đã thể hiện được 3 vấn đề cốt yếu: Ngăn ngừa ô nhiễm; giáng trách nhiệm chủ xả thải và bù đắp chi phí xử lý nguồn nước thải. Ông Bái cho rằng, mức phí không tăng ngay khi Nghị định có hiệu lực, vẫn giãn cách thời gian 6 tháng mới tăng là rất hợp lý, hợp tình. Thời gian đó giúp người dân, đơn vị, hộ gia đình nắm bắt quy định mới, để có thể điều chỉnh hành vi sử dụng nước và xả thải, nếu không muốn nộp phí cao.
Phụ thuộc vào khâu tổ chức thực hiện
Chuyên gia hóa học cũng bày tỏ băn khoăn về tính công bằng trong việc thu phí. Bởi lẽ, đối với nước thải có chứa thủy ngân (Hg), chì (Pb) hay Cadimium (Cd), chi phí xử lý rất lớn, thậm chí có những khi kinh phí lớn cũng khó xử lý được. “Như vậy, tôi e rất khó tạo được sự công bằng trong mức phí đã đề ra và không thể bù đắp được chi phí xử lý nguồn thải. Ví dụ như cửa hàng vàng, bạc hoặc là cửa hàng rửa xe, sửa chữa xe máy xen kẽ trong phố hay ngõ nhỏ, chúng ta có thu được phí BVMT, mà trong đó có tính cộng với phí biến đổi - chứa các chất độc hại hay không?” - chuyên gia Đỗ Thanh Bái đặt vấn đề.
Ông Bái cũng cho rằng, quy định đã đúng và trúng nhưng để chính sách đi vào cuộc sống còn phụ thuộc rất nhiều vào khâu tổ chức thực hiện. “Phần trăm phí thu để lại cho địa phương không đổi so với quy định trước nhưng mức phí tăng lên thì phần trăm để lại cho hoạt động thu phí cũng tăng lên. Đây là động lực để cơ quan chức năng, chính quyền địa phương bám sát địa bàn, thu phí đủ, đúng đối tượng, tạo sự công bằng chính sách phí” - chuyên gia phân tích.
Theo tìm hiểu của phóng viên Kinh tế & Đô thị, vấn đề nước thải đô thị hiện nay rất đáng báo động. Tại Hà Nội, theo thống kê tính đến tháng 3/2020, hệ thống kênh, mương, sông, hồ trên địa bàn TP có khoảng 1.837 điểm xả từ hoạt động sản xuất và điểm xả thải dân sinh. Trong đó chủ yếu là nguồn nước thải khu công nghiệp, nước thải khu vực dân sinh, đô thị, làng nghề, cơ sở sản xuất nhỏ, nước thải bệnh viện, nước thải chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm và nước thải sinh hoạt.
Trong khi đó, cả Thủ đô hiện chỉ có 7 nhà máy xử lý nước thải, đáp ứng được 22% số lượng nước thải ra hàng ngày, còn tới 78% đang được xả thẳng ra môi trường. Đó là nguyên nhân khiến hàng loạt các con kênh, mương, sông ở Hà Nội đang “chết” vì bị “đóng băng” bởi váng mỡ, xăng dầu, rồi đủ các loại rác thải.
Tại TP Hồ Chí Minh, ước tính lượng nước thải từ sinh hoạt đô thị phát sinh khoảng 1.579.000m3/ngày đêm. Nếu tính lượng nước thải được xử lý cục bộ tại khu dân cư mới, chung cư, công nghiệp, thương mại - dịch vụ (không bao gồm nước thải từ khu công nghiệp) thì tổng lượng nước thải thu gom xử lý của toàn TP là 370.624m3/ngày đêm (đạt tỷ lệ 21,2%).
Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Văn Cường cho rằng, khi nước thải vẫn chưa được xử lý triệt để, ô nhiễm từ nguồn nước thải ngấm vào đất, bốc hơi gây ô nhiễm không khí,… sẽ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của con người. Vì vậy, việc triển khai thu phí BVMT đối với nước thải theo quy định mới, các chuyên gia cho rằng cần những giải pháp cụ thể, theo thực tế mỗi địa phương, để nâng cao tính hiệu quả.
“Kinh phí xử lý nước thải vô cùng lớn, trong khi đó nhận thức pháp luật về BVMT, bảo vệ nguồn nước của các cơ sở sản xuất, tổ chức, cá nhân còn nhiều hạn chế. Công tác kiểm tra xử lý vi phạm của các cơ quan quản lý cũng chưa thường xuyên, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm… Bởi vậy, Nghị định 53/2020/NĐ-CP sẽ là cơ sở pháp lý, góp phần khắc phục những tồn tại trên, nếu triển khai thực hiện tốt” - ông Phạm Văn Cường nhận định.

Đánh giá hoạt động quản lý nước thải đô thị ở Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho biết, mặc dù 60% hộ gia đình Việt Nam đấu nối xả nước thải vào hệ thống thoát nước công cộng nhưng hầu hết nước thải được xả thẳng ra hệ thống tiêu thoát nước bề mặt và chỉ có 10% lượng nước thải được xử lý. Bên cạnh đó, khả năng thu hồi chi phí đầu tư xây dựng, chi phí vận hành và bảo dưỡng hệ thống xử lý nước thải nói chung còn thấp.