Muôn kiểu khó khăn của doanh nghiệp khi ảnh hưởng bởi khủng hoảng

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để giúp các doanh nghiệp (DN) có thể thích ứng và ứng phó có hiệu quả với khủng hoảng, các cú sốc bất ngờ trong tương lai đòi hỏi phải có những giải pháp trong cả ngắn hạn và dài hạn.

Ngày 9/11/2022, với sự hỗ trợ của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), Cục Quản lý đăng ký kinh doanh tổ chức hội thảo công bố báo cáo “Nghiên cứu, đánh giá khả năng ứng phó của DN Việt Nam với khủng hoảng Covid-19, đề xuất các giải pháp nâng cao khả năng thích ứng của DN trước khủng hoảng”.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Doanh nghiệp loay hoay đối phó

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, DN Việt Nam với đa phần là DN nhỏ và vừa (DNNVV), khái niệm ứng phó với khủng hoảng đối với những DN này là một khái niệm tương đối xa lạ và chưa được xem trọng. Khi đối diện với các cuộc khủng hoảng, các DN thường không có sự chuẩn bị kịp thời và không có một kế hoạch phù hợp để ứng phó. Chính vì thế, khi khủng hoảng xảy ra, đa phần các DN phải “loay hoay” tìm hướng đi hoặc trông chờ vào sự hỗ trợ từ bên ngoài, điều này tạo nên rủi ro rất lớn cho DN, khiến hoạt động xuất kinh doanh (SXKD) của DN bị đình trệ, thậm chí là ngừng hoạt động; đặc biệt đó là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, các DN trẻ có thời gian thành lập ngắn từ 0-5 năm.

Điều này có thể thấy qua số liệu DN rút lui khỏi thị trường. Năm 2020 có 101.719 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 13,9% so với năm 2019. Năm 2021 cũng là một trong những năm có số lượng DN rút lui khỏi thị trường cao nhất trong nhiều năm trở lại đây do những khó khăn, thách thức dịch Covid-19 gây ra.

Ông Lê Anh Văn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và Phát triển nguồn nhân lực - Hiệp hội DNNVV Việt Nam báo cáo, kết quả nghiên cứu cụ thể cho thấy, trong hơn 600 DN được hỏi, mỗi nhóm ngành DN, đều gặp khó khăn khác nhau.

Khó khăn DN dịch vụ gặp phải chính là việc các đơn hàng, hợp đồng, sản lượng có sự giảm sút, lưu thông hàng hóa gặp khó khăn (211/411, chiếm 51,3%). Chính sách hỗ trợ chủ yếu mà DN nhận được là chính sách hỗ trợ miễn, giảm thuế, phí, lệ phí (137/211, chiếm 64,9%).

DN thuộc nhóm ngành công nghiệp và xây dựng (179/633, chiếm 28,3%) lại đánh giá cao vai trò của yếu tố thời gian hoạt động của DN (113/179, chiếm 63,1%) đối với khả năng ứng phó với khủng hoảng. Các DN này cho rằng, tuổi đời của DN càng cao thì DN thích ứng với khủng hoảng của DN càng hiệu quả.

Tương tự với dịch vụ, các DN nhóm ngành này cũng gặp nhiều khó khăn trong việc lưu thông hàng hóa khiến các đơn hàng, hợp đồng, sản lượng có sự giảm sút (123/179, chiếm 68,7%).

Đối với nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản (46/633, chiếm 7,3%), các DN cũng coi việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là yếu tố quan trọng để nâng cao khả năng ứng phó của DN trong khủng hoảng (34/46, chiếm 73,9%). Tuy nhiên, cũng chỉ số ít các DN này có ứng dụng công nghệ thông tin và có chiến lược ứng dụng công nghệ thông tin trong tương lai. Các DN trong nhóm ngành ngày đa phần lo ngại phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn vốn trong tương lai (22/46, chiếm 47,8%).

Về DN xuất nhập khẩu, có 146 DN xuất nhập khẩu tham gia trả lời khảo sát (chiếm 23,1%), phần lớn khó khăn của nhóm DN này trong đại dịch Covid-19 là việc thiếu các đơn hàng, hợp đồng, sản lượng có sự giảm sút, lưu thông hàng hóa gặp khó khăn (112/146, chiếm 76,7%). Có 25/112 (22,3%) DN đã thực hiện các giải pháp nhằm tìm kiếm khách hàng mới, mở rộng thị trường nhằm giải quyết khó khăn này. 33/112 (29,5%) DN đưa ra các chiến lược ứng phó với khủng hoảng liên quan đến việc giải quyết khó khăn về thị trường, lưu thông hàng hóa.

Các vấn đề về chi phí nguyên liệu, chính sách tài khoá, tiền tệ, tỷ giá, những đồng tiền mà Việt Nam có quan hệ thương mại cũng là những nội dung cần lưu ý hơn.

Cải cách thể chế, thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ

Tại hội thảo, các chuyên gia đưa ra một số giải pháp nâng cao khả năng thích ứng cho DN trong bối cảnh bất định hiện tại. DN cần đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, đảm bảo việc làm và khả năng thích ứng cân đối dòng tiền, cắt giảm các khoản chi tiêu chưa cần thiết, đảm bảo hiệu quả hoạt động và dòng tiền của DN. Giải quyết ngay những vấn đề phát sinh đột xuất, bất thường có nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động SXKD của DN.

Chú trọng nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ của DN, nắm bắt xu hướng tiêu dùng của khách hàng để chuyển hướng kịp thời. Thay thế các hình thức, phương thức kinh doanh, các sự kiện bán hàng theo kiểu truyền thống bằng các giải pháp công nghệ mới để khách hàng dễ dàng tiếp cận thông tin, kinh doanh trên các sàn giao dịch điện tử.

DN cần chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin thị trường, tình hình kinh tế, chính trị trong nước và trên thế giới; đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào; tăng cường liên kết thông qua các chuỗi cung ứng và mạng lưới các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng và địa phương.

Đối với Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ ngắn hạn giúp DN phục hồi và phát triển. Đặc biệt là ưu tiên cải cách thể chế, tạo điều kiện thuận lợi về môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính nhằm giảm gánh nặng cho DN khi đối diện với khủng hoảng.

“Bởi vì, đôi khi những chi phí về thời gian trong việc thực hiện các thủ tục có thể làm giảm hiệu quả năng suất, có thể làm trì hoãn các hoạt động sản xuất kinh doanh nên khiến các DN mất đi những cơ hội để vực dậy sản xuất và phát triển”, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế bày tỏ .

Do vậy, ông Hiếu cho rằng, cần đẩy mạnh cải cách thể chế nhằm tạo môi trường an tâm, ít rủi ro trong quản lý, điều hành cho DN khi thực hiện các quy định của luật pháp là việc làm cần triển khai sớm nhất. Hoàn thiện chính sách pháp luật, cải cách hành chính hỗ trợ DN chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, khai thác những cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0 để ứng phó với khủng hoảng trong tương lai…