Mỹ cân nhắc biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Dòng chảy Phương Bắc 2

Nguyễn Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các thượng nghị sĩ Mỹ đang xem xét trình dự thảo bổ sung lệnh trừng phạt đối với dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 của Nga.

2 thượng nghị sĩ Mỹ đang cân nhắc đề xuất một dự thảo mới nhằm áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt chống dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 - tuyến đường ống đưa khí đốt từ Nga sang châu Âu, nếu Moscow vẫn xúc tiến kế hoạch thực hiện tuyến đường ống này.
Dự thảo trừng phạt các công ty xây dựng đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 được Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Ted Cruz, và thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Jeanne Shaheen đề xuất từ tháng 12/2019.
Các thượng nghị sĩ Mỹ có thể trình dự thảo bổ sung biện pháp trừng phạt dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 của Nga.
Thượng viện Mỹ hôm 17/12 đã phê duyệt dự thảo ngân sách quốc phòng trị giá 738 tỷ USD cho năm 2020, trong đó bao gồm các biện pháp trừng phạt các công ty tham gia dự án Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga.
Lauren Blair Aronson, người phát ngôn của thượng nghị sĩ Cruz cho biết, tất cả các biện pháp bổ sung đang được xem xét nhằm ngăn chặn Nga hoàn thành dự án Dòng chảy Phương Bắc 2. “Các thượng nghị sĩ Mỹ đã soạn thảo dự thảo bổ sung biện pháp trừng phạt đối với dự án này từ năm ngoái”, người phát ngôn Aronson cho hay.
uy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov tuần trước cho biết ông chắc chắn rằng dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 sẽ được hoàn thành dù đang chịu áp lực từ chính quyền Mỹ.
"Tôi chắc chắn rằng nó sẽ được thực hiện. Dự án có lợi cho Đức và các nước châu Âu khác có công ty tham gia thực hiện dự án. Tất cả châu Âu quan tâm đến dự án này bởi vì nó tăng cường an ninh năng lượng cho châu lục này", ông Lavrov lưu ý.
Ngoại trưởng Lavrov nói rằng những khó khăn mà châu Âu đang tạo ra cho dự án Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ chỉ khiến khí đốt trở nên đắt đỏ hơn đối với người dân châu Âu.
Ngoài ra, sự gia tăng giá khí đốt của Nga sẽ làm cho khí hóa lỏng của Mỹ cạnh tranh hơn, theo ý kiến ​​của ông Lavrov.
Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 được xây dựng bởi một liên doanh các nhà thầu gồm Gazprom và các công ty châu Âu (Wintershall và Uniper của Đức, Anglo-Dutch Shell của Anh - Hà Lan, Engie của Pháp và OMV của Áo).
Sau khi hoàn thành, đường ống này sẽ tăng gấp đôi khối lượng khí đốt tự nhiên trực tiếp từ Nga sang Tây Âu thông qua biển Baltic để đến Đức.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump, giống như chính quyền người tiền nhiệm Barack Obama, đã phản đối dự án Dòng chảy phương Bắc 2, cho rằng nó sẽ làm tăng sự kìm kẹp chính trị của Nga đối với châu Âu.
Chính quyền Mỹ muốn thúc đẩy việc bán khí hóa lỏng cho châu Âu, phản đối việc hoàn thành dự án này, cũng như Ukraine và một số nước châu Âu khác.
Hồi tháng 12/2019, Washington đã thông qua các lệnh trừng phạt đối với dự án Dòng chảy Phương Bắc 2, yêu cầu các công ty liên quan đến việc đặt các đường ống ở biển Baltic ngừng hoạt động. Công ty Allseas của Thụy Sĩ tham gia vào dự án ngay lập tức dừng thi công.
Nga dự định sẽ bắt đầu vận hành Dòng chảy Phương Bắc 2 vào quý I/2021, theo tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 1/2020./.