Mỹ đã có bài học lịch sử về quan hệ Nga - Đức?

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock công du Nga trong tuần này, bà được cho là sẽ đi theo con đường mà giới chức và người dân Đức ủng hộ, bất chấp nó có thể dẫn đến xích mích với Mỹ - đồng minh phương Tây lớn nhất của Berlin.

Lãnh đạo Nga Vladimir Putin (phải) bắt tay Phó giám đốc kỹ thuật của đường ống Nord Stream, trong chuyến thăm tàu ​​xây dựng Solitaire ở Vịnh Phần Lan, tháng 9/2010. Ảnh: Reuters
Lãnh đạo Nga Vladimir Putin (phải) bắt tay Phó giám đốc kỹ thuật của đường ống Nord Stream, trong chuyến thăm tàu ​​xây dựng Solitaire ở Vịnh Phần Lan, tháng 9/2010. Ảnh: Reuters
Phương Tây có sẵn sàng trả giá?

Trong khi Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden liên tục cáo buộc và tìm cách ngăn chặn Nga tấn công Ukraine, giới quan sát vẫn nghi ngờ việc Đức sẵn sàng đối đầu với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trong cuộc gặp người đồng cấp Nga mới đây tại Geneva, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã nhấn mạnh sự thống nhất với các đồng minh và đối tác trong việc phản ứng với Nga về việc triển khai quân đội của nước này tại biên giới với Ukraine, bao gồm cả việc cùng nhau áp đặt "biện pháp kinh tế nghiêm trọng".

Bloomberg dẫn lời Nils Schmid - phát ngôn viên chính sách đối ngoại của đảng Dân chủ Xã hội (SPD) tại Quốc hội Đức - nói: "Thực tế là châu Âu có ràng buộc chặt chẽ hơn với Nga về mặt kinh tế và văn hóa so với Mỹ, vì vậy phép tính là khác nhau".

“Thật dễ dàng để Mỹ kêu gọi Đức thực hiện một đường lối cứng rắn hơn. Nhưng phương Tây phải tự hỏi mình liệu họ có sẵn sàng trả giá kinh tế hay không, bao gồm cả một cuộc "tắt vòi" năng lượng có thể xảy ra" - ông Schmid nói, từ đó kết luận - "Có những lý do chính đáng để không làm như vậy (trừng phạt Nga)".

Chính phủ Berlin đã phủ nhận bất kỳ rạn nứt nào với Mỹ vì Nga, nhưng một số nhà phân tích cảnh báo về một cuộc đụng độ sắp xảy ra với Washington, tương tự diễn biến vào 4 thập kỷ trước, khi Thủ tướng Tây Đức Helmut Kohl từ chối Tổng thống Mỹ bấy giờ Ronald Reagan về những nỗ lực của Washington nhằm đối đầu với cái mà ông gọi là "đế chế ma quỷ".

Giờ đây, việc Đức có sẵn sàng áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn với Nga, hay trên hết là lập trường của Berlin đối với đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Dòng chảy Phương Bắc 2, đều vẫn chỉ là dừng ở phỏng đoán. Nhưng một số quan chức Mỹ đã gọi đó là "vấn đề của nước Đức".

"Ở Đức, một bộ phận đáng kể công chúng nghĩ rằng Nga nên được cấp ảnh hưởng đặc quyền để đổi lấy việc duy trì nguồn cung cấp khí đốt" - Stefanie Babst, một cựu quan chức cấp cao của NATO - viết trong bài xã luận cho Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức.

Thật vậy, theo một cuộc thăm dò được công bố vào ngày 6/1 vừa qua, phần lớn người Đức muốn dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 - đang chờ phê duyệt của Đức cũng như Liên minh châu Âu (EU) - sớm được khai thông để vận chuyển khí đốt từ Nga sang Đức, giữa bối cảnh châu Âu đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng giá năng lượng trong mùa Đông lạnh giá.

Tuy nhiên, chỉ có 17% ​​số người được hỏi cho biết họ coi Nga là một "đối tác đáng tin cậy". Tổng kim ngạch thương mại Đức - Nga trị giá khoảng 90 tỷ USD vào năm 2013 trước khi việc Nga sáp nhập Crimea vào một năm sau đó, dẫn đến các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Kim ngạch 2 nước đã giảm chỉ còn một nửa vào năm 2020.

Tóm lại, nhiệm vụ của Ngoại trưởng Đức trong tuần này là chứng minh rằng bất kỳ tranh cãi nào đối với cách giải quyết của Chính quyền Berlin đều là thừa thãi.

Hơn hết, cuộc gặp của bà Baerbock với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov vào ngày 18/1 còn là một phần của truyền thống ngoại giao Đức - Nga lâu đời, nhằm thúc đẩy mối quan hệ "thân thiết lạ thường" trong mắt thế giới ngoài.

Lịch sử quan hệ Nga - Đức và bài học của Mỹ
Tổng thống Mỹ Ronald Reagan phát biểu trước người dân Tây Đức, gần Bức tường Berlin, nhân kỷ niệm 750 năm thành lập Berlin vào ngày 12/6/1987. Ảnh: AFP
Tổng thống Mỹ Ronald Reagan phát biểu trước người dân Tây Đức, gần Bức tường Berlin, nhân kỷ niệm 750 năm thành lập Berlin vào ngày 12/6/1987. Ảnh: AFP

Mối quan hệ của Nga - Đức bắt nguồn từ một lịch sử chung lâu dài, phần nào giải thích cách tiếp cận của Berlin ngày nay. Vào đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh năm 1963, đảng viên Đảng SPD Egon Bahr đã đề xuất các bước hình thành nền tảng của Ostpolitik - chính sách hợp tác với phía Đông Đức - do Thủ tướng Tây Đức Willy Brandt ủng hộ và các Chính phủ kế tiếp theo sau.

Một trong số các khía cạnh của Ostpolitik là sự nhấn mạnh vào hòa bình, chủ nghĩa hiện thực, đối thoại quan trọng với Nga và vai trò của các mối quan hệ kinh tế.

Theo Ulrich Kuehn, một nhà khoa học chính trị đã viết một bài báo vào năm 2016 với tiêu đề "Xung đột ở Ukraine: Chúng ta có thể học được gì từ Egon Bahr vào năm 2016". "Tôi có thể nói rằng Dòng chảy Phương Bắc 2 là một trong những truyền thống khá lâu đời của các Thủ tướng Đức để làm ăn với người Nga/Liên Xô. Đây đôi khi là điều có thể gây nghi ngờ từ quan điểm của Washington. Nhưng từ quan điểm của Đức, nó là khá nhất quán".

Tổng thống Nga Putin cũng thường xuyên đề cập đến các ý tưởng của Bahr, gần đây nhất là trong cuộc họp báo thường niên của ông vào tháng trước. Trong một cuộc phỏng vấn với tuần báo Die Zeit của Đức xuất bản hồi tháng 6/2021, nhà lãnh đạo Nga nói rằng Bahr “đã đề xuất tái cơ cấu triệt để toàn bộ hệ thống an ninh châu Âu sau khi Đức thống nhất, liên quan đến cả Liên Xô và Mỹ. Nhưng không ai ở Liên Xô, Mỹ hay châu Âu sẵn sàng lắng nghe ông ấy".

Song song với lịch sử quan hệ đó là diễn biến từ đầu những năm 1980 tại Đức, khi đảng Xanh nổi lên như một phong trào phản đối việc đặt tên lửa hạt nhân của Mỹ ở Tây Đức. Chính phủ do SPD lãnh đạo của Helmut Schmidt đã lung lay trong cam kết triển khai và Mỹ lo ngại rằng Tây Đức đang dần trượt khỏi quỹ đạo của mình theo hướng "chủ nghĩa trung lập".

Sự xuất hiện vào tháng 10/1982 của Helmut Kohl - với tư cách là người đứng đầu một liên minh do phe bảo thủ lãnh đạo - đã được Chính quyền Mỹ Reagan chào đón trong sự thở phào. Nhưng kết quả, Helmut Kohl vẫn từ chối Ronan Reagan để đối đầu với Moscow.

Trong một bài báo ngày nay có tiêu đề "Tây Đức: Đối tác đáng tin cậy?", nhà sử học Wolfgang Schlauch nhận định rằng, căng thẳng lúc đó giữa Mỹ và đồng minh châu Âu phần lớn đến từ việc xây dựng một đường ống dẫn khí đốt từ Siberia đến Tây Âu.

Khi Tây Đức coi đường ống là "yếu tố ổn định" trong quan hệ với phương Đông, chính quyền Reagan nhìn thấy khả năng gián đoạn nguồn cung cấp và "đòn bẩy" năng lượng của Liên Xô, từ đó đề nghị vận chuyển than Mỹ như một giải pháp thay thế.

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ sau đó đã được giảm xuống sau khi Washington nhận ra rằng quan hệ xuyên Đại Tây Dương đang ở mức suy thoái thấp nhất trong nhiều năm. Thủ tướng Tây Đức Kohl đã thúc đẩy việc triển khai tên lửa qua Bundestag, nhưng giữ vững lập trường trong quan hệ với Nga.

Juergen Trittin, một nhà lập pháp của đảng Xanh và là cựu quan chức của Chính phủ cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder, nói rằng những khác biệt với Washington về quan hệ với Moscow là không thể tránh khỏi.

"Người châu Âu phải tiếp tục chung sống với Nga", ông Trittin nói với Bloomberg, nhấn mạnh bài học lịch sử về quan hệ Nga - Đức dành cho nước Mỹ lúc này.