Mỹ đối mặt tổn thất dầu mỏ lớn nhất lịch sử!

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc duy tu các nhà máy lọc dầu vào mùa thu sẽ đẩy Washington và đồng mình châu Âu trước nguy cơ thiếu hụt nguồn cung.

Việc bảo trì nhà máy lọc dầu ở Mỹ vào mùa thu sẽ khiến nền kinh tế số một thế giới bị hụt đi 2,5 triệu thùng dầu/ngày trong khoảng thời gian từ tháng 9/2023 đến 12/2023, thậm chí có thể cao hơn vào đầu năm tới.

Bloomberg trích dẫn dữ liệu từ Energy Aspects LTD cho thấy đây là mùa bảo trì chứng kiến thiệt hại nặng nề nhất đối với ngành lọc dầu nước Mỹ kể từ trước đại dịch Covid-19 đến nay.

Sản lượng dầu của Mỹ sẽ hụt đi 2,5 triệu thùng/ngày trong mùa lọc dầu mùa thu. Nguồn: Bloomberg
Sản lượng dầu của Mỹ sẽ hụt đi 2,5 triệu thùng/ngày trong mùa lọc dầu mùa thu. Nguồn: Bloomberg

Trước đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho biết xuất khẩu dầu mỏ của Mỹ đạt gần 6 triệu thùng/ngày trong nửa đầu năm 2023, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, sản lượng dầu trong nửa đầu 2023 vẫn tăng chậm hơn so với nửa đầu 2022 do phải đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của châu Âu sau khi khu vực này giảm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga.

Trong nửa đầu năm 2023, dầu propan được xuất khẩu nhiều nhất, trung bình 1,5 triệu thùng/ngày. Theo EIA, xuất khẩu propan luôn chiếm vị trí quan trọng trong tổng xuất khẩu sản phẩm dầu mỏ của Mỹ suốt bốn năm qua, với thị trường quen thuộc là châu Á và Nam Mỹ.

Bất chấp hoạt động lọc dầu sẽ bị ảnh hưởng trong mùa bảo trì, GlobalData tiết lộ rằng Bắc Mỹ sẽ đứng đầu lĩnh vực lọc dầu tái tạo với công suất sản xuất lên đến 13,142 triệu gallon/năm vào năm 2027, tiếp theo là châu Âu và châu Á.

“Nhu cầu thế giới về dầu tái tạo như nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) và dầu diesel ngày càng tăng, thúc đẩy việc mở rộng công suất, đặc biệt ở các khu vực như Bắc Mỹ, châu Á và châu Âu” - nhà phân tích dầu khí Bhargavi Gandham của GlobalData cho biết.

Giải pháp tăng sản lượng

Giá dầu thô Brent đã tăng hơn 25% lên 95 USD/thùng kể từ tháng 6 sau khi Ả Rập Saudi và Nga cùng cắt giảm sản lượng nguồn nhiên liệu này. Động thái trên đã đẩy giá xăng tăng cao và khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) gặp nhiều khó khăn trong kiềm chế lạm phát, đặt ra thách thức chính trị cho Tổng thống Joe Biden trong cuộc tranh cử sắp tới.

Để tìm giải pháp giảm giá dầu, chính quyền ông Biden đã kêu gọi các công ty khoan đá phiến bơm thêm dầu, tuy nhiên phần lớn các công ty này phớt lờ đề nghị của người đứng đầu Nhà Trắng. Rất ít công ty trong ngành này tận dụng việc giá tăng gần đây để đầu tư vào hoạt động thăm dò hoặc sản xuất mới.

Rick Muncrief, Giám đốc Điều hành công ty Devon Energy có trụ sở tại Oklahoma, cho biết: “Tôi không thấy các nhà sản xuất hào hứng với biến động giá trong ngắn hạn”.

Với cuộc cách mạng đá phiến, sản lượng dầu của Mỹ đã tăng hơn gấp đôi lên mức 13 triệu thùng/ngày trong vòng 10 năm khi nhiều nhà đầu tư hào phóng với các dự án khai thác. Tuy nhiên, khi giá dầu sụt giảm, họ đã phải trả giá đắt do hao tổn tài chính nghiêm trọng. Một nguồn tin cho biết dòng tiền tự do cho toàn bộ lĩnh vực đá phiến của Mỹ từ năm 2010 đến năm 2019 đã bay hơi mất 300 tỷ USD.

Heather Powell, Giám đốc Điều hành của Ventana Exploration and Production, một công ty dầu khí có trụ sở tại Oklahoma, cho biết vụ sụp đổ đá phiến đã để lại những vết sẹo hằn sâu cho các nhà đầu tư, khiến họ không dám mạnh tay chỉ vì việc giá dầu hoặc khí đốt tăng tạm thời.

Theo Baker Hughes, một công ty dịch vụ mỏ dầu, số lượng giàn khoan dầu đang hoạt động ở Mỹ đã giảm 16% xuống còn 502 giàn so với cùng kỳ năm ngoái. Vào năm 2014, tại thời điểm hoàng kim của ngành đá phiến, Mỹ có 1.609 giàn khoan dầu hoạt động.

Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là gần đây các công ty khai thác đã bắt đầu chi thêm cho hoạt động sản xuất, dù vẫn thấp hơn nhiều so với thời kỳ đỉnh cao của cuộc cách mạng đá phiến.