Mỹ khẳng định tham vọng AI với sắc lệnh hành pháp quyết liệt

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những đột phá trong sắc lệnh này giúp Washington khẳng định lợi thế trong cuộc cạnh tranh AI đầy cam go.

Ngày 30/10, Tổng thống Joe Biden đã công bố một sắc lệnh hành pháp về trí tuệ nhân tạo (AI), nhằm đưa ra những quy chuẩn về tính an toàn, cách sử dụng, sự công bằng và dân chủ đối với lĩnh vực đang là mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Nguồn: CNBC
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Nguồn: CNBC

Trong khi Quốc hội và nhiều cơ quan Mỹ đang loay hoay tìm cách giải quyết các hành vi lạm dụng AI, nhiều chuyên gia đánh giá rằng sắc lệnh hành pháp mới này sẽ mang đến nhiều chuyển biến tích cực.

Theo đó, nội dung của sắc lệnh này sẽ được chia thành các phần như sau:

Thiết lập các quy chuẩn an toàn và bảo mật mới cho AI, trong đó yêu cầu một số công ty AI chia sẻ kết quả kiểm tra an toàn với chính phủ liên bang, yêu cầu Bộ Thương mại đưa ra hướng dẫn giúp AI nhận dạng sai lệch trong các ứng dụng phổ biến.

Tạo ra những quy tắc giúp các cơ quan bảo vệ quyền riêng tư của người tiêu dùng liên quan đến AI.

Thúc đẩy quyền công bằng và dân chủ trong sử dụng AI, tránh hành vi sử dụng những thuật toán AI không lành mạnh, mang tính phân biệt đối xử. Đồng thời, tăng cường vai trò của AI trong hệ thống tư pháp, như sử dụng trong tuyên án, đánh giá rủi ro và dự báo tội phạm.

Chỉ đạo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ thiết lập chương trình đánh giá các hoạt động chăm sóc sức khỏe liên quan đến công nghệ AI có hại, buộc người sử dụng AI phải có trách nhiệm hơn.

Hỗ trợ người lao động thông qua báo cáo về tác động tiềm tàng của AI đối với thị trường lao động cũng như đưa ra biện pháp giúp họ giảm thiểu rủi ro từ AI, vốn có thể khiến cho thị trường bị gián đoạn. Thúc đẩy đổi mới và cạnh tranh bằng cách tăng cường tài trợ cho nghiên cứu AI trong các lĩnh vực như: biến đổi khí hậu, hay hỗ trợ người lao động nhập cư có tay nghề cao có thể ở lại Mỹ.

Hợp tác với các đối tác quốc tế để triển khai các tiêu chuẩn AI trên toàn cầu.

Xây dựng các hướng dẫn về mua sắm và sử dụng AI đối với các cơ quan liên bang, đồng thời đẩy nhanh tuyển dụng nhân công có tay nghề cao trong lĩnh vực này.

“Sắc lệnh này cho thấy động thái mạnh mẽ và quyết liệt nhất của ông Biden nhằm thúc đẩy sự an toàn, tính bảo mật và niềm tin của người dân đối với AI” – Phó Chánh văn phòng Nhà Trắng Bruce Reed cho biết.

Ngoài ra, sắc lệnh còn được xây dựng dựa trên những cam kết giữa Nhà Trắng và các công ty AI hàng đầu, cũng như thể hiện sự quan tâm sâu sắc của chính phủ đối với công nghệ.

Theo các quan chức cấp cao của Mỹ, mặc dù 15 ông lớn công nghệ của quốc gia này đã đồng ý sẽ thực hiện các cam kết về an toàn AI, nhưng điều này vẫn chưa đủ cho đến khi sắc lệnh này được thông qua. Họ nhấn mạnh rằng sắc lệnh AI sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển hơn nữa của công nghệ này trong tương lai.

“Vài tháng trước, Tổng thống Biden đã chỉ đạo các cơ quan sử dụng mọi biện pháp để nhằm thúc đẩy tầm ảnh hưởng của chính phủ vào việc quản lý rủi ro, khai thác lợi ích từ AI và sắc lệnh này đã hiện thực hóa điều đó” – Một quan chức Mỹ cho biết.

Đối với khung thời gian thực hiện các quy định trong săc lệnh này, quan chức Mỹ cho biết rằng thời điểm thích hợp nhất để áp dụng những quy định về tính an toàn và an ninh của AI là khoảng 90 ngày, còn một số quy định khác thì có thể tối đa gần một năm.

Sắc lệnh này được thiết lập khi những lo ngại ngày càng tăng của Chính phủ Mỹ và người dân về tính an toàn, an ninh của một số phần mềm áp dụng công nghệ AI như: ChatGPT có thể tạo ra những sản phẩm độc hại, phân biệt chủng tộc, ...

“Sắc lệnh của Tổng thống Biden yêu cầu Bộ Tư pháp và các cơ quan liên bang khác điều tra, truy tố các vi phạm liên quan đến AI, đồng thời cung cấp hướng dẫn cho những người sử dụng tính năng đảm bảo bình đẳng, công bằng trong ứng dụng này” – Một quan chức Mỹ cho biết.