Mỹ không "động binh" sau vụ đụng độ Nga - Ukraine trên Biển Đen

Nguyễn Phương (Theo The Hill,Tass)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 6/12, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Quân đội Mỹ Joseph Dunford cho biết Washington sẽ không thảo luận về khía cạnh quân sự đối với sự cố trên Biển Azov.

Phát biểu tại hội nghị do tờ Washington Post tổ chức, tướng Joseph Dunford nhấn mạnh: “Mỹ sẽ không có phản ứng quân sự và chắc chắn chúng tôi cũng không thảo luận về khía cạnh quân sự đối với sự cố tại Eo biển Kerch trên Biển Azov”.
 hủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Quân đội Mỹ Joseph Dunford. 
Trước đó, hôm 25/11, Cục An ninh Liên bang Nga (FSB) cáo buộc 3 tàu của Hải quân Ukraine là Berdyansk, Nikopol và Yany Kapu vi phạm biên giới nước này, khi đi vào vùng biển tạm thời đóng cửa trên lãnh hải Nga và di chuyển từ Biển Đen đến Eo biển Kerch.
Moscow cho rằng các tàu này có những hành động nguy hiểm, và làm ngơ lệnh dừng tàu của Lực lượng an ninh Nga. Ba tàu hải quân của Ukraine cùng với 24 thủy thủ đã bị bắt giữ. Nga cũng đã mở một vụ án hình sự đối với các thủy thủ này về hành vi vi phạm biên giới bất hợp pháp.
Moscow cho rằng đây là một sự khiêu khích có liên quan đến việc Tổng thống Petro Poroshenko không có được tín nhiệm cao trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Ukraine sắp tới.
Sự cố tại Eo biển Kerch cũng gây thêm sức ép đối với mối quan hệ giữa Mỹ và Nga vốn đang leo thang căng thẳng trong những tuần gần đây.
Hôm 4/12, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết nước này đã sẵn sàng rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) nếu nhu cầu của họ không được đáp ứng trong vòng 60 ngày.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 20/10 tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước INF, được ký từ ngày 8/12/1987 và có hiệu lực từ ngày 1/6/1988, với cáo buộc Nga vi phạm thỏa thuận hạt nhân này. Tuy nhiên, Nga phủ nhận những cáo buộc của Mỹ về việc vi phạm Hiệp ước INF.