Mỹ ký kết thỏa thuận khoáng sản với Ukraine
Kinhtedothi - Mỹ và Ukraine đã chính thức ký kết một thỏa thuận hợp tác về khoáng sản, dầu khí và tài nguyên thiên nhiên, đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ song phương giữa hai nước sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng.
Theo thông báo từ Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent hôm 30/4, thỏa thuận sẽ thành lập "Quỹ đầu tư tái thiết Mỹ - Ukraine", nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong việc khai thác và phát triển nguồn tài nguyên của Ukraine. Ông Bessent nhấn mạnh rằng, đây là tín hiệu rõ ràng cho thấy Mỹ cam kết hỗ trợ một Ukraine tự do, có chủ quyền và thịnh vượng trong dài hạn.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessant (trái) và Phó Thủ tướng thứ nhất kiêm Bộ trưởng Kinh tế Ukraine Yulia Svyrydenko ký thỏa thuận về khoáng sản. Ảnh: Bộ Tài chính Mỹ
Phía Ukraine, Phó Thủ tướng thứ nhất kiêm Bộ trưởng Kinh tế Yulia Svyrydenko khẳng định thỏa thuận phản ánh sự cam kết của Mỹ đối với an ninh và phục hồi kinh tế của đất nước. Bà cho biết quỹ sẽ thu hút đầu tư toàn cầu và Ukraine vẫn giữ quyền kiểm soát hoàn toàn đối với tài nguyên khoáng sản của mình. Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cũng mô tả đây là một thỏa thuận "bình đẳng và có lợi", trong đó lợi nhuận sẽ được chia đôi giữa hai bên.
Phiên bản ban đầu của thỏa thuận, do Mỹ đề xuất vào tháng 2, bị Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từ chối vì lo ngại việc phân loại lại viện trợ quân sự thành nợ và thiếu cam kết về an ninh. Sau nhiều lần chỉnh sửa, thỏa thuận cuối cùng đã loại bỏ điều khoản yêu cầu Ukraine hoàn trả viện trợ quân sự, đồng thời bổ sung các điều khoản bảo vệ lợi ích của nước này trong quá trình gia nhập Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, thỏa thuận không đề cập đến các đảm bảo an ninh cụ thể cho Kiev, một điểm mà Ukraine vẫn đang đòi hỏi.
Một điểm gây tranh cãi khác là tính khả thi của thỏa thuận. Các chuyên gia như Oleg Ustenko, cố vấn kinh tế của Tổng thống Zelensky, cho rằng thỏa thuận mang tính biểu tượng hơn là thực tế, do các nhà đầu tư tư nhân Mỹ khó có thể mạo hiểm vào Ukraine trong bối cảnh xung đột quân sự với Nga còn tiếp diễn. Alex Jacquez, cựu quan chức chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden, cũng nghi ngờ về tiềm năng khai thác khoáng sản của Ukraine, gọi con số nghìn tỷ USD tài nguyên mà chính quyền Tổng thống đương nhiệm Donald Trump tuyên bố là "ảo tưởng".
Quá trình đàm phán thỏa thuận cũng không diễn ra suôn sẻ. Kế hoạch ký kết ban đầu vào tháng 2 đã bị hủy sau cuộc gặp căng thẳng giữa hai Tổng thống Trump và Zelensky tại Nhà Trắng. Đến phút chót, Mỹ vẫn gây sức ép buộc Ukraine ký đồng thời cả thỏa thuận khoáng sản và thỏa thuận quỹ đầu tư, khiến quá trình bị trì hoãn.
Dù vậy, thỏa thuận khoáng sản mới vẫn được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội mới cho Ukraine trong việc tiếp cận viện trợ quân sự từ Mỹ và thúc đẩy tái thiết đất nước. Đối với Washington, đây là cách để đảm bảo lợi ích kinh tế và giảm bớt gánh nặng tài chính từ viện trợ. Trong bối cảnh chiến sự, thỏa thuận này có thể là bước đi quan trọng nhằm củng cố liên minh giữa hai nước, dù còn nhiều thách thức phía trước.

Cảnh báo Ukraine thiếu hụt lao động do di cư kéo dài
Kinhtedothi - Nữ nghị sĩ Ukraine, bà Nina Yuzhanina, cảnh báo một bộ phận lớn người Ukraine hiện đang sinh sống tại các quốc gia châu Âu có thể sẽ không trở lại quê hương trong tương lai gần, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt lao động do di cư kéo dài.

Nga lên tiếng trước kế hoạch lập liên minh tự nguyện vì Ukraine của châu Âu
Kinhtedothi - Quan chức ngoại giao cấp cao của Nga tuyên bố, liên minh tự nguyện vì Ukraine không thể gọi là lực lượng gìn giữ hòa bình vì được huy động từ các quốc gia không trung lập và đã công khai đứng về phía Ukraine”.

Đa phần người Ba Lan phản đối triển khai quân đội tới Ukraine
Kinhtedothi - Lo ngại về áp lực kinh tế, dòng nhập cư kéo dài và sự mất cân đối trong lợi ích giữa các nước châu Âu là những yếu tố chính khiến dư luận Ba Lan dè dặt với ý tưởng triển khai quân đội tới Ukraine sau ngừng bắn.