Phái viên của ông Trump thảo luận trực tiếp với ông Putin về khả năng đối thoại Nga - Ukraine
Kinhtedothi - Cuộc hội đàm kéo dài 3 tiếng ngày 25/4 giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff được đánh giá "mang tính xây dựng và rất hữu ích", đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc đưa hai cường quốc xích lại gần nhau không chỉ về vấn đề Ukraine mà còn trên nhiều vấn đề quốc tế khác.
Ông Yuri Ushakov, trợ lý của Tổng thống Putin, cho biết cuộc thảo luận tập trung vào khả năng nối lại đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine, một bước đi chưa từng xảy ra kể từ khi Kiev rút khỏi các cuộc thương lượng không thành công tại Istanbul vào tháng 5/2022.
Theo ông Ushakov, các cuộc đối thoại đã giúp hai bên hiểu rõ hơn những sắc thái trong lập trường của nhau, mở đường cho những vòng đàm phán tiếp theo với “hình thức tích cực nhất”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff tại Điện Kremlin ngày 25/4. Ảnh: Kristina Kormilitsyna/Rossiya Segodnya
Đây là cuộc gặp thứ hai giữa ông Putin và ông Witkoff trong hai tuần, đồng thời là cuộc thứ tư kể từ đầu năm. Lần đối thoại gần nhất diễn ra ở thành phố St. Petersburg (Nga) ngày 11/4 và kéo dài trong hơn 4 giờ. Đặc phái viên Witkoff, dù không có kinh nghiệm ngoại giao trước khi đảm nhận vai trò này, đã trở thành cầu nối quan trọng giữa Washington và Moscow.
Cuộc gặp trên cũng mang ý nghĩa biểu tượng khi trùng với kỷ niệm 80 năm cuộc gặp lịch sử giữa quân đội Liên Xô và Mỹ tại sông Elbe trong Thế chiến II. Trợ lý Ushakov và đặc phái viên đầu tư của Nga Kirill Dmitriev nhấn mạnh sự kiện này như một biểu tượng của liên minh và hy vọng hòa bình, gợi nhắc tiềm năng hợp tác giữa hai cường quốc.
Ngay sau cuộc gặp ngày 25/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ sự lạc quan trên mạng xã hội Truth Social. Ông tuyên bố Nga và Ukraine đang “rất gần với một thỏa thuận” khi “hầu hết các điểm chính đã được thống nhất”, đồng thời kêu gọi hai bên tổ chức một hội nghị thượng đỉnh ở cấp cao để “hoàn tất” thỏa thuận, sớm chấm dứt “cuộc chiến tàn khốc và vô nghĩa” đang cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người mỗi tuần.
ĐỌC NGAY: EU đứng giữa lựa chọn khó: khí đốt Nga hay LNG Mỹ?
Dù vậy, con đường đến hòa bình vẫn còn nhiều thách thức. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kiên quyết rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của Ukraine, bao gồm việc không công nhận Crimea là một phần của Nga. Trong khi đó, Tổng thống Trump lại ủng hộ quan điểm ngược lại, khi cho rằng khu vực này "sẽ thuộc về Nga" do yếu tố lịch sử và nhân khẩu học.
Bên cạnh đó, đề xuất hòa bình do Mỹ đưa ra, bao gồm việc công nhận quyền kiểm soát của Nga đối với Crimea và một số vùng lãnh thổ chiếm đóng khác tại Ukraine, đã vấp phải sự phản đối từ Kiev và các đồng minh châu Âu. Các bên này chỉ đồng ý thảo luận về vấn đề lãnh thổ sau khi một lệnh ngừng bắn vô điều kiện được thiết lập.
Trong khi đó, Nga tỏ ra sẵn sàng đàm phán nhưng nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của xung đột, bao gồm nguyện vọng gia nhập NATO của Ukraine. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, trong cuộc phỏng vấn với kênh CBS, khẳng định Moscow đồng ý với quan điểm của Tổng thống Trump rằng các cuộc đàm phán “đang đi đúng hướng”, nhưng vẫn cần “tinh chỉnh” một số yếu tố cụ thể.
Tuy nhiên, các cuộc tấn công "ăn miếng trả miếng" gần đây giữa Nga và Ukraine cho thấy căng thẳng chưa hề giảm nhiệt. Trước tình hình trên, Tổng thống Trump đã lên tiếng kêu gọi người đồng cấp Putin "dừng lại" và thúc giục ông Zelensky ký kết thỏa thuận, đồng thời cảnh báo Mỹ có thể rút khỏi vai trò trung gian nếu không có tiến triển cụ thể.

Ukraine nêu quan điểm về đàm phán Nga-Mỹ
Konstantin Eliseev, cựu đại diện thường trực của Ukraine tại Liên minh châu Âu, nhận định những cuộc trao đổi gần đây giữa Mỹ và Nga tại Ả Rập Saudi liên quan đến thỏa thuận Biển Đen chưa đáp ứng đầy đủ các mối quan tâm của Ukraine.

Động thái xích lại gần Nga của Mỹ làm dấy lên lo ngại trong NATO
Kinhtedothi - Một số quốc gia châu Âu trong khối NATO đang bày tỏ quan ngại trước khả năng Mỹ thúc đẩy quan hệ ngoại giao với Nga mà không có sự tham vấn đầy đủ với Liên minh châu Âu.

Quan điểm trái ngược của Nga và EU trước đề xuất của Mỹ về Crimea
Kinhtedothi - Châu Âu phản đối đề xuất của Mỹ về việc công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga. Trong khi đó, tuyên bố của Tổng thống Donald Trump rằng Ukraine đã mất Crimea từ lâu được Điện Kremlin hoan nghênh là phù hợp với lập trường của Moscow.