Quan điểm trái ngược của Nga và EU trước đề xuất của Mỹ về Crimea
Kinhtedothi - Châu Âu phản đối đề xuất của Mỹ về việc công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga. Trong khi đó, tuyên bố của Tổng thống Donald Trump rằng Ukraine đã mất Crimea từ lâu được Điện Kremlin hoan nghênh là phù hợp với lập trường của Moscow.
Các lãnh đạo châu Âu đã bác bỏ đề xuất của Mỹ về việc công nhận chủ quyền của Nga đối với bán đảo Crimea như một phần của dự thảo thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine.
Các quan chức châu Âu nói rằng việc công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga có thể gây ra rạn nứt trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và buộc những quốc gia ủng hộ Kiev phải lựa chọn giữa việc tiếp tục sát cánh cùng Ukraine hoặc đứng về phía Mỹ.

Điện Kremlin hoan nghênh quan điểm của Tổng thống Mỹ Trump đối với vấn đề Crimea. Ảnh: Tass
Theo đài RT, nhóm cố vấn của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra cho Ukraine một đề xuất thỏa thuận chấp nhận hoặc từ bỏ, bao gồm cả việc Washington chính thức công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga. Phó Tổng thống Mỹ J.D. Vance cũng đã đề xuất đóng băng cục xung đột Nga-Ukraine theo các tuyến kiểm soát hiện tại.
Một nhà ngoại giao cấp cao của châu Âu tiết lộ, EU sẽ không thể chấp nhận đề xuất của Mỹ, trong khi một quan chức EU khẳng định "vấn đề Crimea và nguyện vọng gia nhập NATO của Ukraine trong tương lai là ranh giới đỏ đối với chúng tôi".
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 22/4 đã từ chối xem xét việc nhượng lại Crimea, tuyên bố rằng hiến pháp của nước này cấm một động thái như vậy.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay sau đó đã chỉ trích lập trường của Tổng thống Zelensky, cho rằng điều là rất có hại cho các cuộc đàm phán hòa bình. Trong bài viết trên mạng xã hội vào tuần này, Tổng thống Trump tuyên bố: "Crimea đã mất từ nhiều năm trước, và hiện không còn là một vấn đề để bàn luận”. Ông Zelensky có thể có hòa bình hoặc có thể chiến đấu thêm 3 năm nữa trước khi mất toàn bộ đất nước".
Về phần mình, Điện Kremlin hoan nghênh quan điểm của Tổng thống Mỹ Trump đối với vấn đề Crimea
“Tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Ukraine đã mất Crimea từ nhiều năm trước hoàn toàn trùng khớp với lập trường của Moscow” - người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh tại cuộc họp báo ở Moscow hôm 24/4.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: Tass
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Nga cũng cáo buộc Tổng thống Ukraine đã phá hoại nỗ lực ngoại giao nhằm đạt thỏa thuận hòa bình sau khi ông Zelensky từ chối công nhận việc Nga sáp nhập Crimea trong tuần này.
Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng tuyên bố mới nhất của Tổng thống Ukraine Zelensky chứng tỏ ông không có năng lực đàm phán một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh.
Đồng thời, quan chức Bộ Ngoại giao Nga cho biết quyết định của một số nước châu Âu tiếp tục cung cấp vũ khí cho Kiev đang khiến cho cuộc chiến này khó đi đến hồi kết, bất chấp tình hình thương vong.
Bà Zakharova nhấn mạnh chính thái độ trên cho thấy một số nước châu Âu lo sợ trước viễn cảnh chiến thắng của Nga.
Moscow đã nhiều lần khẳng định, vấn đề về Crimea và bốn vùng lãnh thổ khác từng thuộc Ukraine đã gia nhập Nga sau các cuộc trưng cầu dân ý năm 2022 là không thể đem ra thương lượng. Nga nhấn mạnh rằng việc công nhận “thực tế trên thực địa” là điều thiết yếu cho một nền hòa bình lâu dài.
Cách đây 11 năm, Cộng hòa Crimea và thành phố Sevastopol đã được sáp nhập vào Nga dựa trên kết quả cuộc trưng cầu dân ý tổ chức ngày 16/3/2014. Phần lớn cử tri đã ủng hộ ý tưởng tái sáp nhập (96,7% tại Crimea và 95,6% tại Sevastopol), với tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 80%. Vào ngày 18/3/2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng các lãnh đạo Crimea và Sevastopol đã ký hiệp ước về việc hai khu vực này gia nhập Liên bang Nga, và hiệp ước này đã được Quốc hội Nga phê chuẩn vào ngày 21/3/2014.
Giới phân tích nhận định nếu Tổng thống Trump đơn phương công nhận Crimea thuộc lãnh thổ Nga hoặc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Moscow, điều đó có thể gây ra sự chia rẽ nghiêm trọng trong NATO cũng như EU.
Chính quyền Tổng thống Trump gần đây đã cảnh báo rằng Mỹ có thể chấm dứt sự tham gia của mình vào các cuộc đàm phán hòa bình Nga-Ukraine nếu không sớm có tiến triển. Người đứng đầu Nhà Trắng cũng lưu ý rằng ông thấy đàm phán với Nga dễ hơn là với ông Zelensky.

Điện Kremlin lên tiếng về việc Nga-Mỹ khởi động đàm phán hợp tác đất hiếm
Kinhtedothi - Người phát ngôn Điện Kremlin nói rằng việc Moscow và Washington bắt đầu đàm phán về việc hợp tác khai thác đất hiếm đã đánh dấu sự khởi đầu của quá trình phục hồi quan hệ hai nước.

Điện Kremlin bình luận về kết quả đàm phán Nga - Mỹ
Kinhtedothi - Quan chức Điện Kremlin cho biết, các cuộc đàm phán giữa Nga và Mỹ sẽ khó mang lại kết quả nhanh chóng do hai nước đang đối mặt với lượng lớn các vấn đề tồn đọng chưa được giải quyết trong quan hệ song phương.

Mỹ cân nhắc công nhận Crimea thuộc Nga
Kinhtedothi - Bán đảo Crimea, nơi có đa số cư dân là người Nga, đã bỏ phiếu ly khai khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga hồi năm 2014, ngay sau cuộc đảo chính tại Kiev được phương Tây hậu thuẫn.