Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Điện Kremlin lên tiếng về việc Nga-Mỹ khởi động đàm phán hợp tác đất hiếm

Kinhtedothi - Người phát ngôn Điện Kremlin nói rằng việc Moscow và Washington bắt đầu đàm phán về việc hợp tác khai thác đất hiếm đã đánh dấu sự khởi đầu của quá trình phục hồi quan hệ hai nước.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: Tass

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 31/3 cho biết: “Sự quan tâm chung của các công ty Nga và Mỹ trong lĩnh vực khai thác đất hiếm chỉ là giai đoạn đầu tiên sau một thời kỳ quan hệ song phương xuống mức thấp nhất. Sẽ cần có những nỗ lực đáng kể để khắc phục tình trạng này”.

Theo quan chức Điện Kremlin, các công ty Mỹ đã bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia vào các dự án chung về khai thác kim loại đất hiếm, nhưng chưa có thông tin cụ thể nào được tiết lộ cho đến nay.

Đồng thời, ông Peskov lưu ý thêm rằng hiện tại chưa có bất kỳ văn bản nào được ký kết liên quan đến các dự án khai thác kim loại đất hiếm giữa Moscow và Washington. “Như các bạn đã biết, các lệnh trừng phạt vẫn có hiệu lực và các hạn chế đối với các công ty Mỹ vẫn tiếp tục được áp dụng” - ông Peskov cho hay.

Mỹ có thể tiếp cận những loại đất hiếm nào của Nga?

Nga và Mỹ đã bắt đầu đàm phán về các dự án chung trong lĩnh vực khai thác kim loại đất hiếm, theo xác nhận của ông Kirill Dmitriev, Đặc phái viên Tổng thống Nga về Hợp tác Quốc tế kiêm Giám đốc Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF).

Với 658 triệu tấn kim loại hiếm, bao gồm 28,7 triệu tấn đất hiếm có vai trò quan trọng đối với công nghệ cao hiện đại, năng lượng tái tạo và quốc phòng, trữ lượng khoáng sản của Nga chiếm 20% hoặc hơn tổng trữ lượng đất hiếm của thế giới và được cho là đứng thứ hai về quy mô, chỉ sau Trung Quốc (44 triệu tấn).

Phần lớn đất hiếm của Nga vốn chưa được khai thác, hiện phân tán tại các mỏ lớn trên khắp cả nước, từ Bắc Cực và Siberia đến các khu vực mới tuyên bố sáp nhập như Donbass, theo Forbes.

Yttrium: được tìm thấy ở Bán đảo Kola, Transbaikalia và Dãy núi Ilmensky ở Nam Ural, loại đất hiếm này được sử dụng trong chất phát quang, chất siêu dẫn và làm chất phụ gia để tăng cường hợp kim.

Lanthanum: chủ yếu được tìm thấy ở Bán đảo Kola và Dãy núi Ilmensky, vật liệu này được sử dụng trong pin xe hybrid, ống kính máy ảnh, kính hấp thụ bức xạ.

Neodymium: được tìm thấy ở Bán đảo Kola và Yakutia tại Mỏ Tomtor, loại đất hiếm này được sử dụng để tạo ra nam châm vĩnh cửu mạnh mẽ cho động cơ điện và tua bin gió, thiết bị điện âm và tia laser.

Dysprosi: nằm ở Bán đảo Kola, Yakutia và Transbaikal, loại đất hiếm này cũng được sử dụng cho nam châm EV, cùng các ứng dụng như thanh điều khiển cho lò phản ứng hạt nhân.

Xeri: Được tìm thấy ở cùng khu vực và Nam Ural, loại đất hiếm này được sử dụng làm nam châm chuyên dụng cho mục đích quốc phòng và hàng không vũ trụ, và làm chất pha tạp cho phốt pho trong màn hình và đèn điện tử.

Lithium: Mặc dù không phải là đất hiếm, nhưng đây là khoáng sản quan trọng cần thiết cho quá trình chuyển đổi xanh được phương Tây ca ngợi rất nhiều.

Trữ lượng lithium của Nga nằm ở Transbaikal và Ural, Donetsk và Zaporozhye. Riêng vùng Donetsk được biết đến là nơi sở hữu một trong những kho dự trữ lithium đá cứng lớn nhất châu Âu tại mỏ Shevchenko mới kiểm soát.

Việc khai thác và phát triển nguồn tài nguyên đất hiếm này có thể giúp Nga củng cố vị thế trong chuỗi cung ứng nguyên liệu quan trọng toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu về kim loại hiếm ngày càng tăng.

Thách thức

Nhưng theo Peter Arkell - Chủ tịch Hiệp hội Khai thác Toàn cầu Trung Quốc, Nga sẽ không dễ dàng để nhanh chóng hưởng lợi từ hoạt động khai thác kim loại đất hiếm.

Chuyên gia Arkell giải thích rằng Mỹ hiện đang mong muốn tìm được nhà cung cấp đất hiếm mới sau khi Trung Quốc áp đặt lệnh cấm xuất khẩu một số kim loại đặc biệt để đáp trả biện pháp hạn chế công nghệ của Mỹ.

Nga và Mỹ đã bắt đầu đàm phán về các dự án chung trong lĩnh vực khai thác kim loại đất hiếm. Ảnh: Tass

“Tuy nhiên, chỉ tiếp cận được với nguyên liệu thô cần thiết để sản xuất các nguyên tố đất hiếm cần thiết cho sản xuất chất bán dẫn hoặc pin là chưa đủ” - ông Arkell cho biết, đồng thời nhấn mạnh rằng thành công của Trung Quốc không chỉ dựa trên việc tiếp cận đất hiếm, mà còn nằm ở khả năng tinh chế và sản xuất loại kim loại này để sản xuất các sản phẩm kỹ thuật công nghệ cao.

Theo ông Arkell, để “hái được quả ngọt” trong lĩnh vực khai thác đất hiếm, Bắc Kinh đã mất tới 25 năm cùng khoản đầu tư khổng lồ và những rủi ro về môi trường.

"Bên cạnh việc đối mặt với rủi ro đáng kể về môi trường, nước Mỹ sẽ cần phải chuẩn bị nguồn tài chính không nhỏ để đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến đất hiếm tốn kém” - vị chuyên gia Trung Quốc cho hay.

Do đó, thay vì lựa chọn nhập khẩu nguyên liệu thô của Moscow, người Mỹ lại chuyển hướng mua đất hiếm đã được tinh chế tại Nga, theo chuyên gia Arkel.

Ông Arkell cũng bày tỏ lo ngại rằng rủi ro kinh tế và chính trị có thể làm gián đoạn nguồn cung đất hiếm của Nga khi ám chỉ sự thay đổi thất thường trong hợp tác kinh tế giữa các quốc gia phương Tây với Moscow.

Ukraine nêu quan điểm về đàm phán Nga-Mỹ

Ukraine nêu quan điểm về đàm phán Nga-Mỹ

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ