EU đứng giữa lựa chọn khó: khí đốt Nga hay LNG Mỹ?
Kinhtedothi - Trước áp lực chi phí và nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, nhiều lãnh đạo công ty năng lượng lớn ở EU đã bắt đầu đề cập đến khả năng nhập khẩu trở lại khí đốt Nga, điều mà họ coi là "không tưởng" chỉ một năm trước.
Sau hơn 3 năm xung đột Nga - Ukraine, châu Âu đang đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan trong chính sách năng lượng: tiếp tục phụ thuộc vào khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đắt đỏ từ Mỹ hay quay lại với nguồn cung khí đốt giá rẻ của Nga - quốc gia đang bị Liên minh châu Âu (EU) áp đặt tới 16 gói trừng phạt.
EU cân nhắc quay lại nhập khẩu khí đốt Nga
Mặc dù nguồn cung LNG từ Mỹ đã phần nào lấp đầy khoảng trống do sự sụt giảm khí đốt Nga, an ninh năng lượng của châu Âu vẫn mong manh. Việc Tổng thống Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng với lập trường cứng rắn về thương mại cùng với những động thái gây rạn nứt trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương khiến giới lãnh đạo châu Âu e ngại: phụ thuộc vào Mỹ có thể trở thành “điểm yếu” mới.
Trước áp lực chi phí và nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, nhiều lãnh đạo các công ty năng lượng lớn ở EU bắt đầu đề cập đến khả năng nhập khẩu trở lại khí đốt Nga, điều mà họ xem là "không tưởng" chỉ 1 năm trước.
Ông Didier Holleaux - Phó Chủ tịch điều hành của tập đoàn năng lượng Engie (Pháp), cho rằng nếu có hòa bình ở Ukraine, châu Âu có thể quay lại nhập khẩu 60-70 tỷ mét khối khí đốt Nga mỗi năm, bao gồm cả LNG, đáp ứng 20-25% nhu cầu của EU, giảm so với mức 40% trước khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine.

Các công ty năng lượng của Pháp và Đức mong muốn nhập khẩu trở lại khí đốt từ Nga. Ảnh: Tass
Ông Patrick Pouyanne, người đứng đầu tập đoàn năng lượngTotalEnergies (Pháp), cũng cảnh báo châu Âu không nên phụ thuộc quá mức vào nguồn LNG của Mỹ. Đồng thời, ông dự đoán châu Âu có thể nhập khẩu 70 tỷ mét khối khí đốt Nga sau khi xung đột kết thúc.
Đức, vốn phụ thuộc nhiều vào khí đốt giá rẻ của Nga, đang phải vật lộn để duy trì ngành sản xuất. Tại khu công nghiệp hóa chất Leuna, các nhà sản xuất cho biết khí đốt Nga sẽ sớm quay trở lại.
Ông Christof Guenther, Giám đốc điều hành InfraLeuna, nói rằng ngành công nghiệp hóa chất Đức đã cắt giảm việc làm trong 5 quý liên tiếp, và việc mở lại đường ống khí đốt Nord Stream của Nga sẽ giúp giảm giá năng lượng hiệu quả hơn bất kỳ chương trình trợ cấp nào.
LNG có thể trở thành vũ khí của Mỹ
Theo số liệu năm 2023, LNG Mỹ chiếm 16,7% lượng khí đốt nhập khẩu của EU, trong khi Nga vẫn chiếm 18,8%. Tuy nhiên, tỷ lệ này sẽ giảm xuống dưới 10% trong năm nay, do Ukraine ngừng vận chuyển quá cảnh khí đốt của Nga sang châu Âu. Phần lớn nguồn cung khí đốt còn lại từ Nga là khí LNG.
Trước tình hình này, tuần trước, Cao ủy Thương mại EU Maros Sefcovic thông báo các quốc gia thành viên đang chuẩn bị tăng mua LNG từ Mỹ trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump muốn châu Âu giảm thặng dư thương mại với Mỹ.
Ngày 8/4, Tổng thống Trump đã áp đặt mức thuế quan 20% đối với EU, đồng thời yêu cầu khối này chi thêm 350 tỷ USD cho năng lượng của Mỹ để bù đắp cho "thâm hụt thương mại dai dẳng". Tuy nhiên, chỉ một ngày sau, ông đã tuyên bố tạm dừng áp dụng hầu hết các mức thuế quan toàn cầu trong 90 ngày, tạo cơ hội cho các đối tác đàm phán.
Theo Politico, EU đã có kế hoạch nối lại thương lượng về việc tăng mua LNG của Mỹ. EU đã cố gắng tiếp cận chính quyền Tổng thống Trump về vấn đề này trong nhiều tháng, nhưng những nỗ lực của khối đã vấp phải sự bối rối và thờ ơ từ Washington.
Giới chuyên gia cảnh báo, Tổng thống Trump đang làm lung lay mối quan hệ mà Mỹ thiết lập với châu Âu sau Thế chiến 2 và có thể coi năng lượng là quân bài trong đàm phán. Chuyên gia Tatiana Mitrova từ Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu (Đại học Columbia) nhận định: “Ngày càng khó coi LNG Mỹ là một mặt hàng trung lập. Đến một lúc nào đó, năng lượng có thể trở thành công cụ địa chính trị”.
Rào cản quay lại với khí đốt Nga
Tuy nhiên, triển vọng quay lại với khí đốt Nga của EU không đơn giản. Ngay cả khi cuộc xung đột Nga-Ukraine kết thúc, việc khôi phục toàn bộ nhập khẩu khí đốt Nga vẫn khó xảy ra. EU đã cam kết chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga vào năm 2027 mặc dù kế hoạch công bố lộ trình đã bị trì hoãn 2 lần. Chiến lược này dự kiến sẽ được công bố vào ngày 6/5 tới, bao gồm việc loại bỏ dần dầu mỏ và khí đốt từ Nga.
Bên cạnh đó, nhiều công ty EU đã khởi kiện tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga ra trọng tài quốc tế vì không thực hiện nghĩa vụ chuyển giao khí sau khi bùng phát chiến sự tại Ukraine. Tòa án tại châu Âu đã phán quyết buộc Gazprom bồi thường 14 tỷ euro cho tập đoàn năng lượng Uniper (Đức) và 230 triệu euro cho tập đoàn OMV (Áo). Ngoài ra, tập đoàn năng lượng RWE (Đức) yêu cầu Gazprom bồi thường 2 tỷ euro, trong khi Engie và một số công ty khác không công khai con số.
Ông Holleaux của tập đoàn Engie cho rằng Kiev có thể cho phép Moscow vận chuyển khí đốt qua lãnh thổ Ukraine như một cách để thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo phán quyết trọng tài, đồng thời mở đường khôi phục quan hệ hợp đồng với tập đoàn Gazprom. "Gazprom muốn quay lại thị trường? Tốt thôi. Nhưng chúng tôi sẽ không ký hợp đồng mới nếu không trả số tiền theo phán quyết", ông Holleaux tuyên bố.

Châu Âu phản ứng trước yêu cầu chính sách của Mỹ
Kinhtedothi - Nhiều quốc gia châu Âu đã lên tiếng phản đối sau khi xuất hiện thông tin về việc một số công ty lớn tại Pháp, Bỉ và Tây Ban Nha nhận được thư từ phía Mỹ yêu cầu từ bỏ các sáng kiến về đa dạng, công bằng và hòa nhập (DEI).

Châu Âu rúng động: gói thuế của ông Trump khiến “kẻ khóc người cười”
Kinhtedothi - Hàng xa xỉ, ô tô và ngành tàu biển là những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ chính sách thuế quan đối ứng của Mỹ, trong khi một số loại tiền tệ của châu Âu bất ngờ hưởng lợi từ sự hỗn loạn...

Châu Âu rục rịch ứng phó với thuế quan của ông Trump
Kinhtedothi - Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách thể hiện lập trường thống nhất nhằm phản đối chính sách thuế quan mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump.