Mỹ yêu cầu kiểm soát đường ống khí đốt của Gazprom tại Ukraine
Kinhtedothi – Theo truyền thông Nga, dự thảo thỏa thuận khoáng sản do Mỹ đề xuất với Ukraine bao gồm điều khoản cho phép Washington tiếp quản tuyến đường ống dẫn khí từ Nga sang châu Âu.

Mỹ yêu cầu kiểm soát đường ống khí đốt của Gazprom tại Ukraine. Ảnh: Tass
Tass ngày 12/4 dẫn nguồn tin từ Anh cho biết, dự thảo thỏa thuận về khai thác khoáng sản tại Ukraine do Mỹ đề xuất có nội dung yêu cầu Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế của Chính phủ Mỹ (DFC) nắm quyền kiểm soát tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Tập đoàn Gazprom (Nga), chạy qua lãnh thổ Ukraine tới các quốc gia châu Âu.
Thông tin được đưa ra trong bối cảnh các quan chức Mỹ và Ukraine đã có cuộc họp tại Washington hôm 11/4 để thảo luận về dự thảo thỏa thuận khoáng sản. Tuy nhiên, theo nguồn tin, cơ hội đạt được đột phá là rất thấp do bầu không khí "đối đầu gay gắt".
"Không khí đàm phán hiện rất căng thẳng", nguồn tin cho biết, đồng thời chỉ ra rằng phía Mỹ đã trình bày một bản dự thảo với các điều khoản "cực kỳ tối đa hóa lợi ích" từ tháng 3.
Người phát ngôn Bộ Tài chính Mỹ xác nhận cuộc họp, gọi đây là những trao đổi “mang tính kỹ thuật”.
Về phía Ukraine, chính phủ nước này đã thuê hãng luật quốc tế Hogan Lovells làm cố vấn trong các cuộc đàm phán về tài nguyên khoáng sản.
Dự kiến, Thủ tướng Ukraine Denis Shmyhal và Bộ trưởng Tài chính Sergey Marchenko sẽ tới Washington trong hai tuần tới để tham dự các hội nghị mùa xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).
Trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ, hai quan chức này cũng sẽ tham dự một cuộc họp cấp bộ trưởng tập trung vào vấn đề Ukraine, diễn ra vào ngày 25/4.
Đáng chú ý, thỏa thuận khoáng sản từng đổ vỡ vào cuối tháng 2 sau cuộc tranh cãi nảy lửa giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng. Đến ngày 27/3, Kiev thông báo đã nhận được dự thảo thỏa thuận sửa đổi từ phía Mỹ, trong đó các điều khoản được đánh giá là khắt khe hơn nhiều so với đề xuất ban đầu.
Theo bản dự thảo mới, toàn bộ nguồn thu từ tài nguyên thiên nhiên của Ukraine sẽ được dùng làm cơ sở trả nợ cho khoản viện trợ trị giá khoảng 120 tỷ USD mà Mỹ đã cung cấp cho Kiev.
Ngoài ra, Washington cũng sẽ kiểm soát một quỹ đầu tư tài trợ cho quá trình tái thiết Ukraine, như một phần trong tổng thể thỏa thuận.
Các quan chức Ukraine nói rằng họ vẫn đang xem xét các điều khoản, trong khi Tổng thống Zelensky nhiều lần lên tiếng chỉ trích việc Washington thay đổi các điều kiện đã thỏa thuận trước đó. Trong khi đó, Tổng thống Trump chỉ trích các nhà lãnh đạo Ukraine đang tìm cách rút khỏi thỏa thuận khoáng sản, đồng thời cảnh báo về những “hậu quả nghiêm trọng” nếu Kiev không ký thỏa thuận.

Nga nêu lý do không công khai nội dung đàm phán với Mỹ về Ukraine
Kinhtedothi - Điện Kremlin cho biết nội dung đàm phán với Mỹ tại Ả rập Saudi về vấn đề Ukraine sẽ không được công khai, trái với thông tin hai bên sẽ ra tuyên bố chung.

Ukraine nêu quan điểm về đàm phán Nga-Mỹ
Konstantin Eliseev, cựu đại diện thường trực của Ukraine tại Liên minh châu Âu, nhận định những cuộc trao đổi gần đây giữa Mỹ và Nga tại Ả Rập Saudi liên quan đến thỏa thuận Biển Đen chưa đáp ứng đầy đủ các mối quan tâm của Ukraine.

Động thái xích lại gần Nga của Mỹ làm dấy lên lo ngại trong NATO
Kinhtedothi - Một số quốc gia châu Âu trong khối NATO đang bày tỏ quan ngại trước khả năng Mỹ thúc đẩy quan hệ ngoại giao với Nga mà không có sự tham vấn đầy đủ với Liên minh châu Âu.