Châu Âu rục rịch ứng phó với thuế quan của ông Trump
Kinhtedothi - Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách thể hiện lập trường thống nhất nhằm phản đối chính sách thuế quan mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Dự kiến, khối này sẽ sớm thông qua một loạt biện pháp đáp trả có tổng giá trị lên tới 28 tỷ USD đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, từ chỉ nha khoa cho đến kim cương.
Nếu kế hoạch được triển khai, EU sẽ cùng Trung Quốc và Canada áp thuế trả đũa nhằm vào Mỹ. Động thái này có thể khơi mào cho một cuộc chiến thương mại toàn cầu, làm tăng giá hàng hóa, ảnh hưởng đến hàng tỷ người tiêu dùng và đẩy kinh tế thế giới vào nguy cơ suy thoái.
Hiện tại, các nước EU đang chịu mức thuế nhập khẩu 25% từ Mỹ đối với thép, nhôm và ô tô, cùng mức thuế đối xứng 20% dự kiến áp dụng với hầu hết hàng hóa khác từ thứ Tư. Chính sách thuế của chính quyền Trump đã ảnh hưởng tới khoảng 70% xuất khẩu EU sang Mỹ, tương đương 532 tỷ euro (585 tỷ USD) trong năm ngoái. Các mặt hàng có thể sắp bị áp thuế bổ sung gồm đồng, dược phẩm, chất bán dẫn và gỗ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Kaohoon
Ủy ban châu Âu, cơ quan điều phối chính sách thương mại của EU, dự kiến sẽ trình lên các nước thành viên vào cuối ngày thứ Hai một danh sách các sản phẩm Mỹ sẽ bị đánh thuế bổ sung. Danh sách này tập trung vào việc đáp trả chính sách thuế thép và nhôm của Mỹ thay vì mở rộng sang các lĩnh vực khác. Các mặt hàng bị đề xuất bao gồm thịt, ngũ cốc, rượu vang, gỗ, quần áo, cùng với các sản phẩm tiêu dùng như kẹo cao su, chỉ nha khoa, máy hút bụi và giấy vệ sinh.
Một trong những mặt hàng gây tranh cãi nhất là rượu bourbon – biểu tượng văn hóa và kinh tế của Mỹ. EU từng đề xuất mức thuế 50% với mặt hàng này, khiến Tổng thống Trump dọa sẽ áp mức thuế đáp trả lên tới 200% đối với đồ uống có cồn nhập khẩu từ EU. Các nhà xuất khẩu rượu vang tại Pháp và Ý đều bày tỏ lo ngại sâu sắc trước khả năng căng thẳng leo thang này.
Là nền kinh tế phụ thuộc mạnh vào thương mại tự do, EU muốn bảo đảm mọi phản ứng đều có sự đồng thuận rộng rãi để duy trì sức ép buộc Mỹ trở lại bàn đàm phán.
Đầu tuần này, Luxembourg sẽ tổ chức cuộc họp chính trị đầu tiên của toàn EU kể từ khi Tổng thống Trump công bố chính sách thuế quan toàn diện. Các bộ trưởng thương mại từ 27 quốc gia thành viên sẽ thảo luận tác động và lựa chọn đối sách phù hợp. Theo giới ngoại giao, mục tiêu là phát đi thông điệp thống nhất: EU sẵn sàng đàm phán, nhưng cũng chuẩn bị kỹ lưỡng cho biện pháp đáp trả nếu cần thiết.
Một nhà ngoại giao EU chia sẻ: “Nỗi lo lớn nhất sau Brexit là sự chia rẽ nội bộ và các thỏa thuận thương mại song phương riêng lẻ. Nhưng trong ba hoặc bốn năm qua, điều đó chưa xảy ra. Tất nhiên, đây là một tình huống khác, nhưng các nước đều nhận thức được tầm quan trọng của một chính sách thương mại chung.”
Tuy nhiên, giữa các quốc gia EU vẫn tồn tại khác biệt về cách phản ứng. Pháp cho rằng EU nên hành động quyết liệt hơn, thậm chí kêu gọi các công ty châu Âu tạm ngừng đầu tư vào Mỹ cho đến khi tình hình được làm rõ. Trong khi đó, Ireland – quốc gia có tới một phần ba kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ – lại kêu gọi phản ứng thận trọng. Ý – quốc gia xuất khẩu lớn thứ ba của EU sang Mỹ – đặt dấu hỏi về tính hợp lý của việc đáp trả bằng thuế quan.
Đọc thêm: Biểu tình phản đối ông Trump rầm rộ khắp nước Mỹ
Một nhà ngoại giao nhận định: “Đây là bài toán cân bằng khó. Đáp trả không thể quá nhẹ để bị xem thường, cũng không thể quá mạnh khiến căng thẳng leo thang.”
Đàm phán với Washington đến nay vẫn bế tắc. Trưởng bộ phận thương mại EU Maros Sefcovic gọi cuộc gặp hai giờ với phía Mỹ hôm thứ Sáu là “thẳng thắn” và chỉ trích các mức thuế là “vô lý”.
Dự kiến, đề xuất thuế quan đáp trả đầu tiên của EU sẽ được đưa ra biểu quyết vào thứ Tư. Trừ khi có bất ngờ lớn, kế hoạch này sẽ được thông qua và triển khai theo hai giai đoạn: đợt đầu vào ngày 15/4 và phần còn lại sau đó một tháng.
Chủ tịch Ủy ban Ursula von der Leyen cũng sẽ có các cuộc gặp riêng với lãnh đạo ngành thép, ô tô và dược phẩm trong tuần này nhằm đánh giá tác động và vạch ra bước đi tiếp theo.

Trung Quốc đổi ý, tạm hoãn thương vụ TikTok với Mỹ do căng thẳng thuế quan
Kinhtedothi - Trung Quốc cho biết sẽ không phê duyệt thỏa thuận tách riêng hoạt động của TikTok tại Mỹ, quyết định được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Donald Trump công bố mức thuế mới nhằm vào nước này.

Biểu tình phản đối ông Trump rầm rộ khắp nước Mỹ
Kinhtedothi - Hàng trăm nghìn người dân Mỹ đã xuống đường ngày 5/4 trong một làn sóng biểu tình rộng, phản đối các chính sách của Tổng thống Donald Trump và tỷ phú Elon Musk.

Mỹ áp thuế 46% với hàng Việt: đâu là yếu tố “sống còn” cho doanh nghiệp
Kinhtedothi - Tối 5/4, Viện Doanh Trí phối hợp với Câu lạc bộ CEO 1983 (Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội) tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Mỹ áp thuế 46% - Góc nhìn chuyên gia”.