Biểu tình phản đối ông Trump rầm rộ khắp nước Mỹ
Kinhtedothi - Hàng trăm nghìn người dân Mỹ đã xuống đường ngày 5/4 trong một làn sóng biểu tình rộng, phản đối các chính sách của Tổng thống Donald Trump và tỷ phú Elon Musk.
Dưới khẩu hiệu "Hands Off!" (Hãy tránh xa!), các cuộc biểu tình diễn ra tại hơn 1.200 địa điểm trên khắp 50 tiểu bang của Mỹ, thu hút sự tham gia của hơn 150 nhóm bao gồm các tổ chức dân quyền, công đoàn lao động, cộng đồng LGBTQ+, cựu chiến binh và các nhà hoạt động xã hội.
Tại Washington, D.C., hàng chục nghìn người tụ tập trước Đài tưởng niệm Washington, giơ cao biểu ngữ với thông điệp như "Đừng động đến nền dân chủ của chúng tôi" và "Bảo vệ an sinh xã hội". Hạ nghị sĩ Jamie Raskin đã có bài phát biểu kịch liệt chỉ trích chính quyền Tổng thống Trump vì những quyết định gây tổn hại đến nền kinh tế và đời sống người dân.
Tại thành phố Chicago (bang Illinois), hàng nghìn người tập trung tại Daley Plaza, trong khi ở New York, đám đông kéo dài gần 20 dãy nhà trên Đại lộ số 5. Ở thành phố Atlanta (bang Georgia), cảnh sát ước tính có hơn 20.000 người diễu hành đến tòa nhà cơ quan lập pháp của tiểu bang.

Người biểu tình phản đối Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Đại lộ số 5 ở New York ngày 5/4. Ảnh: EPA
Không chỉ tập trung vào các vấn đề kinh tế, người biểu tình còn phản đối chính sách nhập cư cứng rắn và việc tỷ phú Musk cắt giảm hàng loạt việc làm trong các cơ quan liên bang thông qua vai trò người đứng đầu Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE).
"Những cuộc tấn công này không chỉ mang tính chính trị. Chúng mang tính cá nhân. Họ đang cố gắng cấm sách của chúng tôi, cắt giảm nguồn tài trợ phòng ngừa HIV, và hình sự hóa cuộc sống của chúng tôi", Kelley Robinson, Chủ tịch tổ chức Chiến dịch Nhân quyền, phát biểu.
ĐỌC NGAY: Chính sách thuế quan của ông Trump - con dao hai lưỡi?
Trước làn sóng biểu tình, Nhà Trắng đã nhanh chóng ra tuyên bố bảo vệ chính sách của Tổng thống Trump: "Tổng thống sẽ luôn bảo vệ An sinh xã hội, Medicare và Medicaid cho người đủ điều kiện. Trong khi đó, đảng Dân chủ muốn trao những phúc lợi này cho người nhập cư bất hợp pháp, đe dọa sự tồn tại của các chương trình này".
Tuy nhiên, thông điệp này không làm dịu đi làn sóng phẫn nộ. Làn sóng phản đối còn lan rộng ra toàn cầu, với các cuộc tập hợp tại Berlin, Paris, và London. Tại Paris, khoảng 200 người, chủ yếu là người Mỹ, tập trung tại Place de la République, giơ biểu ngữ ủng hộ pháp quyền và phản đối các hành vi lạm quyền.
Với quy mô và sự đa dạng của người tham gia, làn sóng biểu tình "Hands off!" không chỉ phản ánh sự bất mãn với chính sách của Tổng thống Trump mà còn cho thấy sự đoàn kết của các nhóm dân sự trong việc bảo vệ các giá trị mà họ cho là "dân chủ, công bằng xã hội và quyền con người".
Với quy mô lớn chưa từng có kể từ nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump, các bên tổ chức biểu tình muốn gửi đi một thông điệp rõ ràng: người dân sẽ không im lặng trước những chính sách mà họ cho là đe dọa đến tương lai của nước Mỹ.

Ẩn ý đằng sau chính sách thuế quan mới của ông Trump
Kinhtedothi - Bên cạnh tuyên bố vì công bằng thương mại, nhiều chuyên gia nghi ngờ việc ông Trump áp thuế quy mô lớn đang phục vụ những toan tính chính trị và cá nhân thay vì lợi ích dài hạn của nền kinh tế Mỹ.

Giá vàng đạt đỉnh sau khi ông Trump công bố thuế quan mới
Kinhtedothi - Trước lo ngại về tác động từ thuế quan Mỹ, giới đầu tư đổ dồn vào vàng như một kênh trú ẩn an toàn trong bối cảnh thị trường biến động.