Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Các “ông lớn” EU xem tịch thu tài sản Nga là canh bạc pháp lý

Kinhteothi - Nhiều quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), bao gồm cả những “ông lớn” như Đức, Pháp, Bỉ và Italia, kịch liệt phản đối kế hoạch tịch thu khoảng 300 tỷ USD tài sản Nga bị đóng băng để viện trợ quân sự cho Ukraine.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 10/4 cho biết, Nga nhận thức được sự chia rẽ trong EU liên quan đến số tài sản Nga bị các nước phương Tây phong tỏa sau khi xảy ra xung đột tại Ukraine.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: Tass

Theo quan chức Điện Kremlin, một số quốc gia thành viên EU phản đối việc tịch thu số tiền này khi viện dẫn những rủi ro pháp lý.

Phát biểu tại buổi họp báo hôm 10/4, ông Peskov cho biết Moscow “nhận thấy rằng quả thực có một số quốc gia không ủng hộ cách tiếp cận như vậy, vì họ hiểu rõ những hậu quả pháp lý không thể tránh khỏi nếu thực hiện hành động đó”.

Theo ông Peskov, Nga “không bao giờ từ bỏ quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản của mình và sẽ tiếp tục bảo vệ đến cùng”.

Kể từ khi xung đột Ukraine bùng phát vào tháng 2/2022, phương Tây đã đóng băng khoảng 300 tỷ USD tài sản quốc gia và tài sản liên kết với nhà nước Nga, phần lớn nằm trong phạm vi pháp lý của EU. Trong số đó, khoảng 200 tỷ euro (209 tỷ USD) được giữ tại Euroclear – một công ty thanh toán bù trừ có trụ sở tại Brussels.

Trong hơn một năm qua, EU đã ráo riết tìm cách “kích hoạt” số tài sản khổng lồ này, ít nhất là thông qua việc sử dụng tiền lãi phát sinh để hỗ trợ Kiev.

Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh, bà Kaja Kallas, đã nhiều lần kêu gọi tìm giải pháp hợp lý để tịch thu tài sản bị phong tỏa của Nga để hỗ trợ Ukraine tái thiết đất nước sau chiến tranh.

Bà Kaja Kallas -Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh. Ảnh: FENA/EU Audiovisual Archive

Tuy nhiên, trong bài trả lời phỏng vấn truyền thông Estonia ngày 10/4, bà Kallas thừa nhận: “Một số quốc gia thành viên phản đối rất mạnh mẽ. Chúng tôi vẫn đang đàm phán, vì điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý. Cần tìm cách giảm thiểu những nguy cơ đó”.

Khi được hỏi tên các nước phản đối, bà Kallas từ chối nêu cụ thể, nhưng khéo léo gợi ý rằng không khó để đoán. "Ví dụ, Bỉ nắm giữ phần lớn tài sản, điều đó khiến họ cảm thấy rủi ro cao nhất” - quan chức EU cho hay.

Không chỉ Bỉ, nhiều nước lớn khác trong EU như Pháp, Đức, Italia, Áo và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cũng đã bày tỏ lo ngại sâu sắc. Người đứng đầu EC cùng các nước này cảnh báo rằng hành động "tịch thu toàn phần" có thể vi phạm luật pháp quốc tế, phá vỡ niềm tin vào hệ thống tài chính châu Âu và tạo tiền lệ nguy hiểm.

Trong khi đó, Hungary và Slovakia lo ngại hành động này có thể “đổ thêm dầu vào lửa”, đẩy xung đột Nga – Ukraine vào tình trạng leo thang nguy hiểm hơn nữa, thậm chí gây bất ổn cả khu vực.

Hệ lụy tiềm tàng nếu tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga

Canada và Mỹ đều đã ban hành các đạo luật trao quyền cho chính phủ tịch thu tài sản Nga bị đóng băng, trong khi Quốc hội Pháp gần đây cũng đã thông qua một nghị quyết không ràng buộc về việc sử dụng các quỹ Nga bị phong tỏa để hỗ trợ Ukraine.

Một số nhà lãnh đạo khác, như Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, cũng đã công khai ủng hộ sáng kiến này. Tuy nhiên, hiện các đồng minh phương Tây của Ukraine mới chỉ đạt được sự đồng thuận trong việc sử dụng tiền lãi từ tài sản bị đóng băng của Nga để bảo lãnh các khoản vay cho Kiev.

Một số quốc gia EU phản đối do lo ngại rằng việc sử dụng tài sản bị phong tỏa của Nga để tài trợ cho hoạt động phòng thủ và tái thiết của Ukraine có thể gây ra những hệ lụy tiêu cực sâu rộng đối với hệ thống tài chính phương Tây – vượt xa khuôn khổ của cuộc chiến hiện tại.

Các nước này cảnh báo rằng việc tịch thu tài sản Nga sẽ làm suy giảm uy tín quốc tế của các thể chế tài chính phương Tây, đồng thời có thể dẫn đến các biện pháp đáp trả trực tiếp hoặc gián tiếp từ Điện Kremlin, làm gia tăng bất ổn toàn cầu.

Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels (Bỉ) vào cuối tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Bỉ Bart De Wever cho biết, bất kỳ động thái nào nhằm tịch thu tài sản bị đóng băng Nga đều có thể được xem là “một hành động chiến tranh”.

Ông De Wever – lãnh đạo quốc gia đang nắm giữ phần lớn tài sản bị phong tỏa của Nga tại châu Âu – cảnh báo rằng đề xuất tịch thu có thể gây ra “rủi ro mang tính hệ thống đối với toàn bộ hệ thống tài chính thế giới” và châm ngòi cho sự trả đũa từ phía Nga, trong đó các tài sản phương Tây còn lại trên lãnh thổ Nga rất có thể sẽ trở thành mục tiêu.

Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây cảnh báo rằng việc trưng thu tài sản nếu không có cơ sở pháp lý rõ ràng có thể làm suy yếu niềm tin toàn cầu vào các thể chế tài chính phương Tây.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cũng bày tỏ lo ngại rằng hành động như vậy có thể làm xói mòn niềm tin vào các đồng tiền phương Tây và gây tổn hại đến sự an toàn của dự trữ ngoại hối bằng euro hoặc USD.

Bên cạnh những lo ngại đó, cơ sở pháp lý cho việc tịch thu tài sản Nga bị đóng băng hiện vẫn là chủ đề gây tranh cãi. Giáo sư luật tài chính Federico Luco Pasini tại đại học Durham (Anh) nói với Euronews rằng bất kỳ phán quyết của tòa án nào buộc một chính phủ phải tịch thu tài sản Nga sẽ bị coi là vi phạm luật pháp quốc tế.

Tuy nhiên, ông Pasini lưu ý, nếu một chính phủ ban hành quyết định hành pháp để thực hiện việc tịch thu, “thì có thể tạm thời vượt qua được trở ngại pháp lý đó”.

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ