Mỹ lại cảnh báo trừng phạt các DN châu Âu tham gia Dòng chảy Phương Bắc 2

Nguyễn Phương (Theo RT)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại sứ Mỹ tại Đức vừa tiếp tục đe dọa trừng phạt các DN châu Âu vì tham gia dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 của Nga.

Trong bài phát biểu trên tạp chí Focus, Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell hôm 4/5 đã nhắc lại các biện pháp trừng phạt có thể được áp đặt đối với các công ty ở châu Âu, đặc biệt là các DN Đức tham gia dự án tuyến đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2.
Đại sứ Grenell nhấn mạnh: “Theo quan điểm của Mỹ, tuyến đường ống này không chỉ vận chuyển khí đốt, mà còn mang ý nghĩa địa chính trị. Dòng chảy Phương Bắc 2 đe dọa tăng nguy cơ bị trừng phạt”.
Theo ông Grenell, do việc thực hiện dự án khí đốt này, các nước châu Âu sẽ buộc  phải phụ thuộc vào Nga.
 Đại sứ Mỹ tại Đức vừa tiếp tục đe dọa trừng phạt các DN châu Âu vì tham gia dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 của Nga.
Trước đó, hôm 13/1, Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell đã gửi thư cho một loạt công ty Đức, trong đó bóng gió đề cập tới khả năng Washington sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những công ty của Đức ủng hộ dự án xây dựng đường ống khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2.
Trong bức thư của Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell có đoạn viết: "Như các bạn đã biết, Mỹ cực lực phản đối dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2... Đường ống dẫn khí đốt này gây ra hậu quả địa chính trị nghiêm trọng cho các đồng minh và đối tác châu Âu của Mỹ”.
Lời đe dọa trừng phạt của Đại sứ Mỹ tại Đức được đưa ra chỉ một ngày sau khi Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry tuyên bố rằng nguồn cung cấp khí đốt của Nga là không đáng tin cậy, trong khi ông tự hào về những lợi thế của các lô hàng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ.
Theo Bộ trưởng Perry, những nỗ lực của Nga nhằm tăng lượng xuất khẩu khí đốt sang các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) để thao túng chính sách đối ngoại của châu Âu.
Tuy nhiên, nhiều nước châu Âu đang phản đối yêu cầu của Mỹ đối với dự án Dòng chảy Phương Bắc 2.
Thủ tướng Áo Sebastian Kurz hôm 3/5 đã tái khẳng định quan điểm ủng hộ của ông đối với dự án Dòng chảy Phương Bắc 2, theo truyền thông địa phương, trong khi Công ty năng lượng Áo OMV đang tham gia.
Trong khi đó, Công ty năng lượng Pháp Engie - một nhà đầu tư khác của dự án Dòng chảy Phương Bắc 2, nói rằng châu Âu nên đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng, theo truyền thông địa phương.
Tại Đức, người kế nhiệm vị trí Thủ tướng Đức Angela Merkel, bà Annegret Kramp-Karrenbauer, nói rằng Berlin sẽ hỗ trợ việc xây dựng Dòng chảy Phương Bắc 2. Mặc dù không hoàn toàn ủng hộ dự án này ngay từ đầu, bà Karrenbauer nhấn mạnh rằng hiện không thể dừng việc thực hiện tuyến đường ống khí đốt từ Nga đến Đức.
Bên cạnh đó, hiện ít nhất 2 công ty Đức, gồm Wintershall và Uniper, đã ký thỏa thuận cung cấp tài chính cho dự án do tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga làm chủ đầu tư.
Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án liên doanh giữa tập đoàn Gazprom của Nga với 5 công ty của châu Âu. Khi hoàn thành (dự kiến cuối năm 2019), các đường ống này hàng năm sẽ chuyên chở 55 tỷ m3 khí đốt tự nhiên từ Nga tới các nước thành viên EU thông qua Biển Baltic đến Đức, không đi qua lãnh thổ Ukraine.
Nhiều quốc gia phản đối dự án này, trong đó có Ukraine do sợ mất nguồn thu từ việc trung chuyển khí đốt của Nga, và Mỹ với kế hoạch xuất khẩu LNG sang châu Âu đầy tham vọng./.