Mỹ tham vọng "chuyển mình" với 1,2 nghìn tỷ USD

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 15/11 đã ký thành đạo luật cơ sở hạ tầng trị giá 1,2 nghìn tỷ USD, hứa hẹn đây sẽ là một bước tiến dài để xây dựng lại nền kinh tế mang tính bền vững và căn cơ hơn.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thành Đạo luật Đầu tư Cơ sở hạ tầng và Việc làm tại Nhà Trắng, ngày 15/11. Ảnh: AP 
Theo Nhà Trắng, Đạo luật Đầu tư Cơ sở hạ tầng và Việc làm ước tính sẽ tạo ra 1,5 triệu việc làm mỗi năm tại Mỹ trong thập kỷ tới, đồng thời đánh dấu "khoản đầu tư lớn chưa từng có vào việc sửa chữa và xây dựng lại các cây cầu của quốc gia", kể từ khi Mỹ xây dựng hệ thống đường cao tốc liên bang.

"Dự luật mà tôi sắp ký thành luật là bằng chứng cho thấy, bất chấp những người hoài nghi, đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa có thể hợp tác với nhau và mang lại kết quả tích cực" - Tổng thống Biden phát biểu tại lễ ký diễn ra ở Nhà Trắng - "Nước Mỹ đang chuyển mình một lần nữa và cuộc sống của người dân sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt hơn".

Phiên bản cuối cùng của dự luật, dài 1.039 trang, bao gồm 550 tỷ USD chi tiêu mới. Một số điều khoản chính của nó có thể thay đổi cách người Mỹ đi lại, sinh sống hàng ngày, tiêu biểu có thể kể đến:

Luật phân bổ 110 tỷ USD cho các tuyến đường, cầu và nhiều dự án khác. Các khoản đầu tư đó sẽ "tập trung vào giảm thiểu biến đổi khí hậu, khả năng phục hồi, công bằng và an toàn cho tất cả người dùng", bao gồm cả người đi xe đạp và người đi bộ - theo Nhà Trắng.

Bên cạnh đó, 39 tỷ USD được đầu tư cho phương tiện công cộng, hướng tới việc nâng cấp và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng của Mỹ, đồng thời tăng khả năng tiếp cận của người dân. Đặc biệt, trong 66 tỷ USD được phân bổ đầu tư cho đường sắt, 22 tỷ USD sẽ là các khoản tài trợ cho Amtrak - hình thức vận chuyển ưa thích của Tổng thống Biden.

65 tỷ USD khác được dành cho việc hiện đại hóa lưới điện mà Nhà Trắng gọi là "khoản đầu tư lớn nhất trong lịch sử Mỹ đối với truyền tải năng lượng sạch". Luật cũng chi 7,5 tỷ USD để tạo ra một mạng lưới bộ sạc xe điện trên khắp nước Mỹ.

Hơn 50 tỷ USD được dành cho cơ sở hạ tầng cấp nước, với trọng tâm là xây dựng khả năng phục hồi quốc gia trong bối cảnh biến đổi khí hậu và các nguy cơ bị tấn công mạng gia tăng. 50 tỷ USD khác để hỗ trợ các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi tác động tàn phá của thiên tai như cháy rừng, lũ lụt, hạn hán và bão do biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm.

Tính chung, phần lớn kinh phí của Đạo luật - khoảng 210 tỷ USD - đến từ quỹ cứu trợ Covid-19 của Mỹ chưa sử dụng. Gói này cũng sử dụng 87 tỷ USD khác từ tiền thu được từ các cuộc đấu giá phổ 5G; 53 tỷ USD từ việc tái sử dụng các quỹ bảo hiểm thất nghiệp chưa sử dụng; 28 tỷ USD từ các yêu cầu báo cáo nghiêm ngặt hơn đối với giao dịch tiền điện tử; và nhiều khoản bù đắp nhỏ hơn khác.