Năm 2016: Hàng loạt "sếp" ngân hàng vướng vòng lao lý

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chưa năm nào ngành ngân hàng Việt Nam lại chứng kiến nhiều lãnh đạo cao cấp bị khởi tố như năm 2016.

Huỳnh Nam Dũng và ông Nguyễn Phước Hòa của MHB
Vào ngày 29/1/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã thực hiện quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng phát triển nhà Đồng bằng Sông Cửu Long (MHB). Cụ thể là nguyên Chủ tịch Huỳnh Nam Dũng, nguyên Tổng giám đốc Nguyễn Phước Hòa cùng một số cán bộ của công ty chứng khoán MHBS nhằm phục vụ điều tra sai phạm tại đây.
 Ông Huỳnh Nam Dũng
Theo điều tra, tháng 4/2011, ông Huỳnh Nam Dũng và ông Nguyễn Phước Hoà đã góp vốn vào MHBS dưới hình thức hợp tác đầu tư trái phiếu chính phủ. Sau đó số vốn này được sử dụng gửi tiết kiệm có kỳ hạn tại chính các chi nhánh Ngân hàng MHB nhằm hưởng chênh lệch lãi suất.
Tuy nhiên cả ông Dũng và ông Hòa cùng đồng bọn bị cáo buộc sử dụng chính nguồn vốn của Sở giao dịch Ngân hàng MHB thực hiện mua bán lòng vòng trái phiếu chính phủ của ngân hàng này với các công ty trung gian để cho các công ty đó và Công ty MHBS được hưởng lợi nhuận. Nhà chức trách cho rằng ông Dũng và ông Hoà đều được hưởng lợi và gây thiệt hại cho Ngân hàng MHB cả trăm tỷ đồng.
Ông Huỳnh Nam Dũng (sinh năm 1956) đảm nhiệm chức Chủ tịch MHB từ tháng 7/2002 đến 22/5/2015, trước khi chuyển sang đảm nhiệm vị trí thành viên Hội đồng Quản trị BIDV từ 23/5/2015.

Còn ông Nguyễn Phước Hòa (sinh năm 1956), đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc MHB từ tháng 6/2011 - 22/05/2015, sau đó làm thành viên Hội đồng Quản trị BIDV từ 23/5/2015.
Phí Thị Ong của Agribank
Vào đầu tháng 2/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã thực hiện quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Phí Thị Ong, nguyên Giám đốc Agribank – Chi nhánh Trung tâm Sài Gòn và ông Hoàng Văn Cường, Giám đốc công ty ADN về các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng cũng như thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
 
Theo thông tin ban đầu, ông Cường đã lập khống dự án trồng cao su tại huyện Đồng Phú (Bình Phước) để làm hồ sơ vay vốn số tiền 75 tỷ đồng của Agribank - Chi nhánh Trung tâm Sài Gòn. Nhận được hồ sơ vay vốn này, bà Ong không thẩm tra, thẩm định dự án cũng như không kiểm tra tài sản đảm bảo nhưng vẫn thực hiện việc cho vay. Ngay cả các cấp dưới của bà Ong cũng không thẩm tra, thẩm định mà đồng ý với chủ trương cho công ty ADN vay tiền cũng như thực hiện giải ngân sau đó.
Chính điều này đã tạo điều kiện cho ông Cường chiếm đoạt số tiền vay của ngân hàng. Người này đã sử dụng tiền vay vào mục đích cá nhân, không thực hiện đầu tư vào dự án như cam kết vay và mất khả năng thanh toán sau đó.
Đây không phải vụ án đầu tiên bà Ong có liên quan và bị xử lý hình sự. Trước đó, năm 2014, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án xảy ra tại Agribank – Chi nhánh Mạc Thị Bưởi, khởi tố bị can đối với bà Ong (nguyên giám đốc chi nhánh) để điều tra do đã gây thiệt hại cho Agribank trong quá trình cho vay.
Phạm Quyết Thắng của GPBank
Tới giữa tháng 3/2016, Phòng 10 Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46, Bộ Công an) đã thực hiện quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Phạm Quyết Thắng, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Dầu khí toàn cầu (GPBank).
 Ông Phạm Quyết Thắng
Cùng với ông Thắng, ba đồng phạm khác cũng bị bắt về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Trước đó, tháng 7/2015, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã khởi tố hai bị can, bắt tạm giam đối với Tạ Bá Long, nguyên Chủ tịch HĐQT và Đoàn Văn An, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT GPBank về cùng tội danh nêu trên. Hành vi của các bị can đã khiến GPBank thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.
Theo cơ quan điều tra, để có tiền trả nợ trái phiếu cho Công ty Tài chính cổ phần Điện Lực (EVN FC), giữa năm 2011, ông Long, ông An đã bàn bạc về việc để ông Long đại diện GPBank ký thỏa thuận đặt cọc mua 58% tòa nhà Capital Tower và hợp đồng hợp tác đầu tư dự án Trung tâm thương mại văn phòng và nhà ở An Khánh Sao Bắc GP Bank. Sau đó, ông Long, ông An chỉ đạo ông Thắng và một thuộc cấp ký chứng từ, làm tục rút 3.900 tỷ đồng của GPBank để chuyển vào tài khoản cho các công ty đối tác ở trên rồi từ đó tiền được dùng để trả nợ trái phiếu. Hiện số tiền không có khả năng thu hồi.
Cơ quan tố tụng xác định các nghi can đã gây thiệt hại cho ngân hàng hơn 5.500 tỷ đồng, trong đố gốc 3.900 tỷ, lãi 1.600 tỷ. Ông Long, An là chủ mưu, những người còn lại là đồng phạm giúp sức.
Ông Phạm Quyết Thắng tốt nghiệp Thạc sỹ Quản trị kinh doanh. Trước khi làm Tổng giám đốc GPBank (kể từ tháng 11/2009) ông từng làm việc tại VPBank những năm 1995-2009 và giữ chức Giám đốc chi nhánh VPBank Đông Đô.
Trần Phương Bình và Nguyễn Thị Ngọc Vân của DongABank
Các sếp ngân hàng bị dính vào vòng lao lý mới đây nhất là trường hợp của nguyên tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) Trần Phương Bình và nguyên Phó tổng giám đốc bà Nguyễn Thị Ngọc Vân. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã thực hiện quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các cựu lãnh đạo trên và một số cán bộ khác của DongA Bank vì cố ý làm trái và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
 
Trước đó, ngày 20/8/2015, Ngân hàng Nhà nước quyết định đình chỉ chức tổng giám đốc và thành viên Hội đồng Quản trị của ông Trần Phương Bình, sau khi đưa DongA Bank vào diện kiểm soát đặc biệt. Phó tổng giám đốc Nguyễn Thị Ngọc Vân cũng bị đình chỉ chức vụ.
Theo thông tin ban đầu, ông Trần Phương Bình trong cương vị của mình đã không thực hiện đúng trách nhiệm, quyền hạn, bỏ qua những quy định của ngân hàng, chỉ đạo cấp dưới giải ngân số tiền lớn ngoài sổ sách, không có chứng từ kế toán, để sử dụng làm ăn cá nhân. Do sợ bị phát hiện, ông Bình đã chỉ đạo cấp dưới hợp thức hóa hồ sơ, tự lập và duyệt các hồ sơ tín dụng khống nhằm lấp đầy các khoản bị thiếu hụt, sau đó, dùng các thủ đoạn để xử lý các khoản vay, không trả lãi.
Bà Vân được xem là có vai trò trợ giúp đắc lực cho nguyên Tổng giám đốc DongABank Trần Phương Bình, gây thiệt hại cho DongABank hơn 2.000 tỉ đồng.