Năm 2016, Nhà nước phải bồi thường hơn 53 tỷ đồng

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 10/1, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác bồi thường nhà nước và đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm.

Tăng tiền bồi thường hơn năm 2015

Phó Cục trưởng Cục bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) Trần Việt Hưng cho biết, theo số liệu tổng hợp từ báo cáo của TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, trong năm 2016 các cơ quan có trách nhiệm bồi thường trên cả nước đã thụ lý, giải quyết tổng số 105 vụ việc.

Trong đó, tổng số tiền nhà nước phải bồi thường được xác định trong các quyết định giải quyết bồi thường, bản án, quyết định của Tòa án giải quyết các vụ án dân sự về bồi thường nhà nước có hiệu lực pháp luật là hơn 53 tỷ đồng, tăng hơn 11 tỷ đồng so với năm 2015.
 TAND tỉnh Bình Thuận hiện vẫn chưa thỏa thuận xong vấn đề bồi thường cho “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén.
Kết quả giải quyết bồi thường năm 2016 cho thấy, hoạt động giải quyết bồi thường đã được các cơ quan có trách nhiệm bồi thường thực hiện nghiêm túc hơn, kịp thời thụ lý các vụ việc yêu cầu bồi thường khi có đủ căn cứ, giải quyết bồi thường đúng pháp luật, một số vụ việc phức tạp, kéo dài đã được giải quyết dứt điểm...

Trong năm 2017, Cục Bồi thường nhà nước sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Hoàn thiện dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước; chuẩn bị các điều kiện và tổ chức triển khai thi hành Luật khi được thông qua; tiếp tục thực hiện công tác bồi thường theo quy định của pháp luật...

Giải quyết 702.202 đơn đăng ký về giao dịch bảo đảm

Về công tác đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, bà Văn Thị Khanh Thư - Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm cho biết, trong năm 2016, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, góp phần tháo gỡ vướng mắc, bất cập của pháp luật và thực tiễn thi hành, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Công tác đăng ký và cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng động sản đã đi vào nền nếp, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Trong năm 2016, các trung tâm đăng ký đã giải quyết 702.202 đơn yêu cầu đăng ký, cung cấp thông tin và văn bản thông báo về việc thế chấp phương tiện giao thông, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2015. Đến cuối năm, các trung tâm đăng ký đều đạt và vượt chỉ tiêu giao ước thi đua đã ký kết giữa 3 trung tâm (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và TP Đà Nẵng).

Năm 2017, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về giao dịch bảo đảm và đăng ký giao dịch bảo đảm nhằm triển khai thi hành kịp thời, hiệu quả Bộ luật dân sự năm 2015; thực hiện có hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm…