Nắm bắt các cơ hội, để sản phẩm OCOP khẳng định chất lượng

Nguyễn Vũ - Hải Anh
Chia sẻ Zalo

TP Hà Nội đã và đang nỗ lực để sản phẩm OCOP phát triển một cách bền vững. Từ đầu tháng 8/2023 đến nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tổ chức 2 sự kiện Tuần hàng tư vấn, giới thiệu và Xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, làng nghề, nông sản thực phẩm an toàn TP.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh: "Sản phẩm OCOP là sản phẩm mang tính đặc thù, lợi thế của từng địa phương, nên đặc sắc, có giá trị cao". Ảnh: Hải Anh  
Nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh: "Sản phẩm OCOP là sản phẩm mang tính đặc thù, lợi thế của từng địa phương, nên đặc sắc, có giá trị cao". Ảnh: Hải Anh  

Nắm bắt các thời điểm để quảng bá sản phẩm

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, TP đã đánh giá, phân hạng và chứng nhận được 2.167/9.852 sản phẩm OCOP. Cụ thể là: 6 sản phẩm được Trung ương công nhận 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.369 sản phẩm 4 sao, 780 sản phẩm 3 sao. Trong đó, ngành thực phẩm có 1.372 sản phẩm; đồ uống 47 sản phẩm; thảo dược 39 sản phẩm; thủ công mỹ nghệ 660 sản phẩm; vải và may mặc 47 sản phẩm; du lịch 2 sản phẩm.

Cuối năm là thời điểm nhu cầu mua sắm hàng hóa tăng cao. Nắm bắt xu hướng thời cơ tổ chức các sự kiện trưng bày, quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP đến các nhà phân phối bán lẻ và người tiêu dùng Thủ đô.

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, Ngọ Văn Ngôn cho biết: Từ tháng 8 đến hết năm 2023, đơn vị sẽ tổ chức nhiều sự kiện quảng bá, kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP. Cụ thể, Hà Nội đã có kế hoạch tổ chức 4 sự kiện Tuần hàng tư vấn, giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, làng nghề, nông sản thực phẩm an toàn; 4 sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc, vùng Đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên và Nam Bộ.

Từ đầu tháng 8/2023 đến nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tổ chức 2 sự kiện Tuần hàng tư vấn, giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, làng nghề, nông sản thực phẩm an toàn TP Hà Nội năm 2023. Hai sự kiện diễn ra tại quận Bắc Từ Liêm và quận Long Biên, mỗi sự kiện có sự tham gia của khoảng 50 gian hàng của hơn 40 DN, chủ thể, hợp tác xã đến từ Hà Nội và các tỉnh: Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Lào Cai, Yên Bái… Qua đó, sản phẩm OCOP và các đặc sản vùng miền từng bước được người tiêu dùng nhận diện, đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã bao bì. Các sản phẩm ngày càng phong phú về chủng loại, bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm...

Các sự kiện tuần hàng giúp các chủ thể sản xuất, kinh doanh tăng cường kết nối giao thương tìm đầu ra cho sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm về chuyển đổi số, các giải pháp thích ứng linh hoạt sau đại dịch và biến động thị trường. Không những thế, đây còn là hoạt động thiết thực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới, góp phần quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đề nghị các chủ thể có sản phẩm OCOP đã được UBND TP công nhận tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị để đưa sản phẩm OCOP ngày càng phát triển. Mặt khác, các đơn vị phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online cũng cần chủ động tăng cường kết nối giao thương, tiêu thụ các sản phẩm OCOP.

Mỗi sản phẩm là câu chuyện kết tinh văn hóa

Sau hơn 6 năm triển khai, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được đánh giá như một luồng gió mới trong phát triển kinh tế nông thôn. Tuy nhiên, bên cạnh thành công đã đạt được, việc phát triển ồ ạt số lượng sản phẩm đang khiến nhiều địa phương gặp khó trong khâu tiêu thụ cũng như xây dựng thương hiệu. Vậy giải pháp nào để gỡ khó đầu ra cho sản phẩm OCOP đứng vững trên thị trường và phát triển.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh, làng nghề mây tre đan Phú Vinh, huyện Chương Mỹ, Hà Nội cho biết: Sản phẩm OCOP không như các sản phẩm được sản xuất hàng loạt trong các nhà máy lớn, với công nghệ hiện đại, mà là sản phẩm mang tính đặc thù, lợi thế của từng địa phương, nên đặc sắc, có giá trị cao. Để mỗi sản phẩm mang đậm văn hóa cần hiểu theo cách mở văn hóa không chỉ là văn hóa bản địa mà là văn hóa dân tộc. Như mây tre đan rất hợp nét hoa văn văn văn hóa Tây Nguyên nên mượn nét hoa văn tạo cho sản phẩm sản phẩm đẹp hơn nhưng câu chuyện làng nghề truyền thống phải được thổi hồn trong sản phẩm. Không nên sao chép văn hóa các nước lên sản phẩm truyền thống. Nhu cầu thị trường mà người làm nghề truyền thống mải đuổi theo sẽ mất đi tính văn hóa, sản phẩm mất giá trị linh hồn cốt lõi, mất vẻ đẹp tự làm khó cạnh tranh trên thị trường.

Thời gian qua để khơi thông đầu ra cho sản phẩm OCOP Hà Nội đã tổ chức nhiều hội chợ xúc tiến thương mại, trưng bày sản phẩm với đầy đủ thông tin về chất lượng cũng như quy trình sản xuất để tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Cùng với đó, các chủ thể sản xuất OCOP cũng rất tích cực đưa sản phẩm của mình lên website và một số sàn thương mại điện tử. Việc chuẩn hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm đặc sản ở mỗi vùng quê, mỗi địa phương, chú trọng quảng bá, kết nối thị trường, hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất của các hộ cũng như DN, HTX. Đó cũng là những vấn đề cần làm tốt để các sản phẩm OCOP trên địa bàn cả nước vươn xa.

Nhưng cũng cần chú ý đến văn hóa trong sản phẩm, PGS.TS Dương Văn Sáu, trường ĐH Văn Hóa Hà Nội cho ý kiến: Chúng ta khi phát triển một sản phẩm thường chạy theo thị trường mà không nhìn lại phía sau nên rất hay bị vấp ngã. Vì thế cần phát triển sản phẩm OCOP trên cái vốn có. Cơ cấu đầu tư cho hợp lý thì mới phát triển bền vững...