Nắm được "luật chơi", doanh nghiệp mới bơi giỏi ra "biển lớn"

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, các chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp cần tiếp tục tận dụng tốt lợi thế mà các FTA mang lại để hàng Việt ra "biển lớn". Tuy nhiên, để làm được điều đó doanh nghiệp phải nắm được “luật chơi”.

Hàng Việt đối mặt với ngày càng nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại

Liên tục trong nhiều năm qua hàng Việt Nam xuất khẩu ra thị trường thế giới bị các nước nhập khẩu áp thuế chống bán phá giá.

Từ tháng 10/2017, Việt Nam đã bị Uỷ ban châu Âu (EC) cảnh cáo “thẻ vàng” khi không tuân thủ Quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không được quản lý (IUU). Việc EC rút “thẻ vàng” cảnh cáo khiến thủy hải sản xuất khẩu sang EU sẽ bị kiểm soát 100%  thay vì kiểm tra xác xuất. Sau khi bị EC cảnh cáo hoạt động xuất khẩu hải sản vào thị trường EU đã giảm từ vị trí số 2 xuống thứ 5, sau Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và ASEAN.

Tương tự, cuối tháng 11/2021 mặt hàng mật ong cũng bị Bộ Thương mại Mỹ (DOC) áp dụng thuế chống bán phá giá sơ bộ lên mặt hàng này ở mức 412,49%.

Nắm được "luật chơi", doanh nghiệp mới bơi giỏi ra "biển lớn" - Ảnh 1Sản xuất bóng đèn xuất khẩu tại Công ty CP Rạng Đông.

Thực tế cho thấy, không chỉ mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu sang EU, Mỹ mới đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá, ngay cả những mặt hàng xi măng, sắt thép cũng trong tình trạng tương tự.

Năm 2021, Bộ Công nghiệp và thương mại quốc tế Malaysia đã áp thuế chống bán phá giá từ 7,81 - 23,84%. mặt hàng thép không gỉ cán nguội của Việt Nam. Cũng trong thời gian này, EC cũng ra thông báo khởi xướng điều tra rà soát gia hạn áp biện pháp tự vệ đối với sản phẩm thép tấm cán nguội, ống thép đúc, thép mạ, thép tấm không gỉ... nhập khẩu từ Việt Nam.

 

Doanh nghiệp cần hiểu rõ các Hiệp định FTA mà Việt Nam đã ký kết có thể mang lại thuận lợi, khó khăn gì cho đơn vị, từ đó thay đổi quy trình sản xuất, nguồn cung nguyên liệu để đáp ứng cam kết của các FTA. Bộ Công thương vẫn đang tiếp tục hỗ trợ DN tận dụng tốt các FTA thông qua việc phổ biến quy tắc xuất xứ của từng FTA với các ngành hàng xuất khẩu; tổ chức hoạt động kết nối giao thương cho DN với nhà nhập khẩu tại những thị trường tiềm năng như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

Theo Cục Phòng vệ thương mại Việt Nam (Bộ Công thương), Hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đang phải đối mặt với ngày càng nhiều vụ phòng vệ thương mại. Nếu như trong giai đoạn 2005-2010 chỉ có 25 vụ kiện, thì giai đoạn 2017-2021, số vụ kiện phòng vệ thương mại đã tăng lên 93 vụ.

Hiện, Hoa Kỳ là nơi hàng hóa Việt bị kiện  phòng vệ thương mại nhiều nhất với 37 vụ; Kế tiếp lần lượt là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada, Australia, EU, Philippines, Indonesia, Malaysia, Thái Lan… Những nhóm ngành hàng xuất khẩu đang phải đối mặt với nguy cơ bị kiện phòng vệ thương mại là sắt, thép, nhôm, tôn, đồng, dệt may, nhựa, giấy, trang thiết bị máy móc, giày dép và nông thủy sản, phụ gia chăn nuôi, bột ngọt… Các vụ kiện phòng vệ thương mại đã khiến sức cạnh tranh hàng Việt tại thị trường nước sở tại giảm đáng kể, thậm chí còn đứng trước nguy cơ bị đóng cửa với nhiều thị trường xuất khẩu khác.

Phải nắm được luật chơi

Theo các chuyên gia kinh tế, việc tham gia vào các FTA thế hệ mới nên doanh nghiệp Việt Nam được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế quan. Song việc thực thi các FTA cũng đặt ra những thách thức cho nhiều ngành, nhiều DN nhất là về chất lượng, quy chuẩn trong quá trình đưa hàng Việt ra thị trường thế giới.

Sản xuất áo thời trang xuất khẩu tại Công ty CP may Sơn Tây (thị xã Sơn Tây).
Sản xuất áo thời trang xuất khẩu tại Công ty CP may Sơn Tây (thị xã Sơn Tây).

Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp (Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia) Trần Toàn Thắng nêu rõ, muốn tăng kim ngạch xuất khẩu đòi hỏi doanh nghiệp phải nắm được “luật chơi” là các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa của nước nhập khẩu, nếu không nắm rõ sẽ bị đối tác “tuýt còi”. Phân tích nguyên nhân khiến hàng Việt Nam đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh chỉ rõ, Việt Nam đang thực thi các FTA, song doanh nghiệp chưa hiểu hết được ý nghĩa của các cam kết trong từng ngành hàng, từng mặt hàng doanh nghiệp đang quan tâm và sản xuất, xuất khẩu. “Trong khi việc tận dụng được các ưu đãi sẽ gắn liền với việc đáp ứng được các điều kiện về xuất xứ hàng hóa” - Thứ trưởng Khánh nhấn mạnh.

Sản xuất thiết bị điện dân dụng xuất khẩu tại Công ty CP Rạng Đông.
Sản xuất thiết bị điện dân dụng xuất khẩu tại Công ty CP Rạng Đông.

Thông tin về vai trò của xuất xứ hàng hóa trong các cam kết FTA Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải dẫn chứng, với hàng dệt may trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, khi xuất khẩu sang Singapore thì quy tắc xuất xứ chỉ cần vải được nhập khẩu từ các nước ngoài khu vực ASEAN, công đoạn cắt may thực hiện tại Việt Nam thì được coi là có xuất xứ từ Việt Nam và hưởng ưu đãi thuế quan. Nhưng vẫn cùng lô hàng đó, nếu xuất khẩu đi EU lại chưa đáp ứng được xuất xứ, bởi EVFTA lại đòi hỏi công đoạn dệt vải, cắt may phải được thực hiện tại các nước thành viên trong Hiệp định. Cũng vẫn lô hàng trên, nếu xuất khẩu sang Canada theo Hiệp định CPTPP, doanh nghiệp muốn được ưu đãi thuế quan thì cả 3 công đoạn xe sợi, dệt vải, cắt may đều phải thực hiện tại Việt Nam, hoặc nguyên liệu nhập từ các nước thành viên CPTPP. “Do vậy, các DN phải tìm hiểu thật kỹ quy định xuất xứ hàng hóa của từng thị trường xuất khẩu, theo từng cam kết để có thể đáp ứng, tận dụng được ưu đãi thuế quan, nếu không  sẽ phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá, không đảm bảo xuất xứ hàng hóa” - ông Hải khuyến cáo.

Để tăng cơ hội cho các DN Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu nhờ Hiệp định CPTPP, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Canada Đỗ Thị Thu Hương lưu ý, các DN Việt Nam cần chủ động hơn nữa trong việc nắm bắt các quy tắc xuất xứ hàng hóa quy định của FTA CPTPP. Để làm được điều này doanh nghiệp cần đầu tư nhân lực để tìm hiểu quy tắc, thủ tục chứng minh xuất xứ từ đó được hưởng ưu đãi thuế quan. Ngoài ra, các cơ quan quản lý cần tăng cường hướng dẫn chuyên sâu vào từng lĩnh vực, từng ngành hàng để các DN đều có thể tìm hiểu và tra cứu thông tin.

Ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý cho thấy để hàng Việt bơi ra “biển lớn” đòi hỏi doanh nghiệp trong quá trình xuất khẩu phải thường xuyên trao đổi thông tin với bạn hàng nhập khẩu. Trong đó chú trọng thông tin về rào cản thương mại có nguy cơ áp dụng lên hàng hóa nhập khẩu như rào cản hành chính, rào cản kỹ thuật trong thương mại… qua đó tuân thủ, lựa chọn thị trường xuất khẩu phù hợp, khai thác thị trường mới theo hướng doanh nghiệp có được hưởng lợi không và hưởng lợi bao nhiêu từ FTA.