Nâng cao hiệu quả vốn tín dụng chính sách cho hộ nghèo

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện Chương trình 02-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”, UBND TP đã có nhiều cơ chế, chính sách và giải pháp để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Một trong những giải pháp quan trọng và hiệu quả đó chính là đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến người dân để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nông dân, đẩy lùi tín dụng đen và giải quyết việc làm.

Vốn chính sách giúp 138 nghìn hộ thoát nghèo
Trong những năm qua, UBND TP và 18 huyện, thị xã hết sức quan tâm chuyển bổ sung nguồn vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Chi nhánh Hà Nội để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách.
Đến ngày 31/8/2019, dư nợ từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để cho vay trên địa bàn 18 huyện, thị xã là 2.155 tỷ đồng/2856 tỷ đồng của toàn TP (tỷ lệ 75,3%) cho 65 nghìn khách hàng vay vốn, trong đó tập trung chủ yếu ở một số chương trình như: Chương trình cho vay Giải quyết việc làm có dư nợ là 1.974 tỷ đồng với 56 nghìn khách hàng vay vốn; Chương trình cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở có dư nợ 131 tỷ đồng với trên 8.000 hộ đang vay vốn để xây dựng, sửa chữa, cải tạo nhà ở bị dột nát; Chương trình cho vay hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg là 15 tỷ đồng để cho vay hỗ trợ chuyển đổi nghề vùng dân tộc thiểu số và miền núi tại các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Mỹ Đức, Quốc Oai. 
 
Nguồn vốn giải ngân qua NHCSXH TP tại 18 huyện, thị xã trong 10 năm qua đã giúp cho gần 900 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, trong đó có trên 347 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, góp phần giúp cho 138 nghìn hộ thoát khỏi ngưỡng nghèo, góp phần thu hút, tạo việc làm cho trên 292 nghìn lao động; giúp cho trên 83 nghìn lượt HSSV được vay vốn học tập, cho vay xây dựng mới và cải tạo gần 405 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, hỗ trợ xây mới, sửa chữa cải tạo trên 11 nghìn căn nhà cho hộ nghèo.
Vốn tín dụng chính sách đã góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới của TP, đồng thời góp phần ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi, đẩy lùi tín dụng đen ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, được làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng, do đó, đã thay đổi nhận thức, sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hạ tầng nông thôn cải thiện rõ nét
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy, nhờ có sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách, sản xuất nông nghiệp, hạ tầng nông thôn và đời sống nhân dân ngoại thành đã có những bước phát triển khả quan.
Cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực. Sản xuất nông, lâm, nghiệp và thủy sản giai đoạn 2010-2018 đã tăng trưởng và phát triển ổn định, với tốc độ tăng trưởng giá trị bình quân là 3,34%/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế năm 2018 đạt 259 triệu đồng/ha/năm, vượt trước 2 năm so với mục tiêu của Chương trình (250 triệu đồng/ha/năm), tăng 117 triệu đồng/ha/năm so với năm 2010.
Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn Hà Nội không ngừng được nâng cấp, hoàn thiện, đạt và vượt mục tiêu đề ra. Tăng trưởng đi đôi với an toàn, hiệu quả; chất lượng tín dụng chính sách luôn được chi nhánh quan tâm củng cố, nâng cao.
Theo Giám đốc NHCSXH Hà Nội Nguyễn Kim Phung, trong quá trình triển khai nguồn vốn tín dụng chính sách đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn… Tuy nhiên, nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm trên địa bàn còn rất lớn. Theo rà soát nhu cầu vay vốn của Sở LĐ-TB&XH, Sở NN&PTNT, hàng năm trên địa bàn TP có trên 40 nghìn hộ có nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm với số tiền khoảng 2 nghìn tỷ đồng.
Để tiếp tục thực hiện thành công trong giai đoạn tiếp theo, Chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội đề nghị Thành ủy, HĐND và UBND TP chuyển bổ sung mỗi năm 1000 tỷ đồng nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm để đáp ứng một phần nhu cầu của người dân trên địa bàn.
Theo Sở KH&ĐT Hà Nội, 10 năm thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”, từ năm 2011 đến hết quý II/2019, tổng số vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn của Hà Nội là 76.451,3 tỷ đồng, trong đó thực hiện chương trình nông thôn mới 25.958 tỷ đồng. Riêng giai đoạn 2016 - 2020, vốn đầu tư tăng bình quân hơn 10%/năm so với giai đoạn 2011-2015.