Nặng danh, nhẹ thực

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cứ theo lời Tổng thống Mỹ Donald Trump, thì tình thế tới đây không chỉ rất khó khăn mà còn có thể rất nguy hiểm đối với Triều Tiên.

 Trước tiên, ông Trump công bố những biện pháp chính sách mới về trừng phạt Triều Tiên được xem là "mạnh mẽ và quyết liệt nhất từ trước tới nay" đối với Triều Tiên.

Sau đó, ông Trump đề cập đến cái gọi là "giai đoạn 2", nhưng không cho biết cụ thể thêm mà chỉ úp úp mở mở là "sẽ tồi tệ đối với cả thế giới". Ai cũng biết rằng đỉnh cao của dọa nạt và răn đe Triều Tiên mà ông Trump và cộng sự có thể làm được là tấn công quân sự Triều Tiên và ai cũng đều biết rằng ông Trump chỉ dọa suông, vì không biết Triều Tiên sẽ phản ứng, đối phó và trả đũa thế nào. Và để xảy ra kịch bản này thì Mỹ cũng không thể tránh khỏi bị thiệt hại đáng kể, hai đồng minh quân sự chiến lược truyền thống của Mỹ ở khu vực Đông Bắc Á là Nhật Bản và Hàn Quốc không tránh khỏi bị vạ lây cũng như Trung Quốc và Nga sẽ không để Mỹ muốn làm gì với Triều Tiên thì làm.

Những biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm trực tiếp vào các đối tác khác chứ không phải Triều Tiên. Chúng thực chất là một dạng phong tỏa thương mại bằng con đường hàng hải của bên ngoài với Triều Tiên. Chúng được Mỹ đơn phương quyết định thực hiện, chứ không phải do Liên Hợp quốc (LHQ) quyết định. Chỉ như thế đã đủ để thấy chúng tạo cảm nhận rất nặng trên danh nghĩa, nhưng thực chất lại không tương xứng.

Do không phải là quyết định của LHQ, nên chúng không có hiệu lực bắt buộc đối với các đối tác. Những ai ngại Mỹ hoặc cần tranh thủ Mỹ, có thể ngả theo, chứ sẽ có nhiều nước bất chấp Mỹ vì lợi ích quốc gia. Trung Quốc đã thể hiện thái độ theo hướng đó. Hơn nữa, không có sự trợ giúp, hợp tác và tham gia của Trung Quốc và Nga, thì Mỹ có trừng phạt Triều Tiên kiểu gì và đến mức nào cũng không thể thuần chế được nước này.