Thí điểm mô hình chính quyền đô thị:

Năng động, linh hoạt trong quản lý, điều hành

Bài, ảnh: Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Qua hơn một năm TP Hà Nội thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị (CQĐT), việc không tổ chức HĐND phường tại 12 quận và thị xã Sơn Tây bước đầu cho thấy phù hợp đặc điểm quản lý đô thị...

Qua hơn một năm TP Hà Nội thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị (CQĐT), việc không tổ chức HĐND phường tại 12 quận và thị xã Sơn Tây bước đầu cho thấy phù hợp đặc điểm quản lý đô thị, tạo thuận lợi nâng cao tính nhanh nhạy trong quản lý Nhà nước và cung ứng dịch vụ công giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân.

Tỷ lệ hài lòng của người dân tăng rõ rệt

Từ ngày 1/7/2021 thí điểm mô hình CQĐT, các phường thuộc quận Long Biên chính thức không còn tổ chức HĐND, song ghi nhận cho thấy quyền dân chủ, quyền giám sát, lợi ích của Nhân dân vẫn được đảm bảo, gắn với thực hiện hiệu quả quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Nhân dân, không phát sinh đơn thư phức tạp. Đồng thời, công tác chỉ đạo, điều hành của UBND phường nhiều đổi mới, rõ trách nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, công chức trong thực hiện nhiệm vụ.

UBND phường hàng tháng giao ban với tổ dân phố để nắm bắt xử lý vấn đề phát sinh; lãnh đạo, công chức dành nhiều thời gian nắm địa bàn và đối thoại với công dân. Các phường cũng duy trì tốt công tác cải cách hành chính, với tỷ lệ hồ sơ giải quyết trước đạt cao.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến trò chuyện với người dân tới làm thủ tục hành chính tại UBND quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Phạm Hùng
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến trò chuyện với người dân tới làm thủ tục hành chính tại UBND quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Phạm Hùng

Đáng chú ý, từ 1/7/2021, 14/14 phường thuộc quận Long Biên thực hiện việc Chủ tịch UBND phường được ủy quyền cho công chức Tư pháp - Hộ tịch ký chứng thực đã tạo thêm thuận lợi cho người dân. Trong tổng số 102.014 hồ sơ chứng thực tại UBND các phường thì công chức Tư pháp - Hộ tịch ký chứng thực và đóng dấu UBND phường với 69.563 hồ sơ, chiếm 68,19%.

“Ở góc nhìn của người dân, việc ủy quyền này là khâu có chuyển biến ngay khi thực hiện CQĐT, bởi thay vì có những lúc phải chờ lãnh đạo ký giấy tờ, đến nay thuận lợi hơn, tiết kiệm thời gian.

Ở góc nhìn quản lý, lãnh đạo phường bớt việc sự vụ để dành thời gian cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, kiểm soát công việc hiệu quả hơn. Ở Thạch Bàn từ khi thực hiện CQĐT, tỷ lệ hài lòng của người dân tăng cao rõ rệt. Tôi cho rằng mô hình này phù hợp đặc thù phát triển, giải quyết được các vấn đề lớn của đô thị, phát huy tốt vai trò của Hà Nội với cả nước” - Chủ tịch UBND phường Thạch Bàn (quận Long Biên) Nguyễn Văn Thắng chia sẻ.

Qua khảo sát của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cho thấy, bộ máy chính quyền phường tinh gọn, hoạt động nhanh nhạy hơn. Đáng kể nhất, phương thức hoạt động UBND thay đổi tích cực từ chế độ tập thể sang chế độ thủ trưởng đã góp phần đẩy mạnh cải cách TTHC, phục vụ người dân, DN tốt hơn. Chủ tịch UBND phường đã phát huy vai trò người đứng đầu chịu trách nhiệm quản lý toàn diện, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cấp bách tại UBND phường dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy phường.

Đặc biệt, từ 1/7/2021 - 30/6/2022, tại 175 phường trên toàn TP, có tổng số 1.371.434 hồ sơ chứng thực bản sao thì 872.638 hồ sơ do công cức Tư pháp - Hộ tịch được ủy quyền ký chứng thực và được đóng dấu UBND phường (chiếm 63,6%); tổng số 171.565 hồ sơ chứng thực chữ ký thì 101.276 hồ sơ do công chức Tư pháp - Hộ tịch được ủy quyền ký chứng thực và đóng dấu UBND phường (59,1%).

Thực tế việc ủy quyền công chức Tư pháp - Hộ tịch được ký chứng thực đã tạo thuận lợi giải quyết nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, công sức cho tổ chức, công dân, vì được nhận kết quả ngay khi đến giao dịch tại UBND phường, vừa giảm đáng kể chi phí tuân thủ TTHC vừa giảm áp lực công việc cho lãnh đạo phường, để tập trung giải quyết các nhiệm vụ khác.

Lắng nghe tâm tư của cán bộ cơ sở

Dù có những ưu điểm, thuận lợi cơ bản nhưng theo nhiều ý kiến, qua 1,5 năm thực hiện CQĐT cũng nảy sinh những vướng mắc cần sớm tháo gỡ. Trưởng phòng Nội vụ quận Long Biên Nguyễn Thị Thu Hằng cho rằng, việc bố trí kinh phí chi lương, phụ cấp, các khoản theo lương và chi hoạt động của Đảng ủy, MTTQ, tổ chức chính trị xã hội nằm trong kinh phí dự toán của UBND phường chưa thật sự đảm bảo tính chủ động khi có công việc đột xuất; lại chưa có hướng dẫn cụ thể về quản lý, sử dụng Đảng phí của Đảng ủy phường.

Bên cạnh đó, một số nhiệm vụ thuộc thẩm quyền UBND, Chủ tịch UBND phường cũng vướng mắc như ký thanh lý hợp đồng thuê thầu đất công, hợp đồng lao động thực hiện các công việc thừa hành, phục vụ tại phường… do chưa có quy định điều chỉnh khi áp dụng mô hình thí điểm. Hơn nữa, trong quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, người lao động giữa khối chính quyền và khối Đảng, đoàn thể phường chưa thống nhất; quận chưa được chủ động điều động, luân chuyển công chức phường đến công tác tại phòng, ban, đơn vị quận.

“Đặc biệt, số công chức UBND phường hiện có hầu hết thiếu so với số biên chế được giao, trong khi khối lượng và áp lực công việc lớn, đãi ngộ thấp nên xuất hiện công chức, người hoạt động không chuyên trách xin nghỉ việc”- bà Nguyễn Thị Thu Hằng lo ngại.

Chia sẻ thực tế này, lãnh đạo phường Thạch Bàn phản ánh, biên chế tại UBND phường vẫn thiếu so với quy định (12/15) nên áp lực lớn với khả năng hoàn thành công việc.

Bên cạnh đó, quy mô dân số khác nhau (có phường hơn gấp đôi) trong khi có giới hạn số công chức. Vì vậy, lãnh đạo phường đề xuất các cấp sớm có giải pháp bổ sung. Việc ký hợp đồng lao động tại phường (bảo vệ, tạp vụ, hỗ trợ chuyên môn) cũng cần được quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, bởi không tránh khỏi có trường hợp cán bộ, công chức ốm đau, thai sản hoặc khối lượng công việc quá lớn cần hỗ trợ trong khi công việc không cho phép đình trệ.

Cũng theo nhiều cán bộ cơ sở, thực hiện CQĐT với khối lượng công việc lớn hơn nhiều mà biên chế phải tinh giản nhưng tiền lương đáp ứng cho cán bộ, công chức so với mặt bằng thành thị là chưa thỏa đáng. Điều này dẫn đến những tâm tư, chưa toàn tâm toàn ý với công việc, là thách thức trong thu hút nhân tài làm việc tại UBND phường.

Chủ tịch UBND phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng) Nguyễn Văn Khang cho rằng, số lượng cán bộ, công chức giảm, phải kiêm nhiệm nhiều việc, thể hiện trong tất cả lĩnh vực quản lý ở phường, song chế độ chính sách chưa thay đổi với trước khi thực hiện CQĐT nên chưa hỗ trợ được nhiều hơn cho lực lượng cán bộ, công chức phường đang tận tâm, tận lực trong công tác. Vì vậy, đề nghị quận và TP sớm quan tâm chế độ chính sách cho cán bộ cơ sở, người hoạt động không chuyên trách, cán bộ, công chức phường.

 

"Thực tiễn tổ chức, hoạt động UBND phường với chức năng chính quyền địa phương ở phường, là cơ quan hành chính thuộc UBND quận cho thấy đã giảm đáng kể thời gian thực hiện TTHC, biên chế tinh giản, tiết kiệm được ngân sách chi cho hoạt động cơ quan Nhà nước ở phường. Qua đó tạo sự năng động, tự chủ trong hoạt động của bộ máy CQĐT và UBND quận, thị xã, phường, thị trấn." - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Đinh Mạnh Hùng

---

"Triển khai CQĐT, các phường không còn là cấp ngân sách độc lập mà UBND phường là đơn vị dự toán trực thuộc UBND quận, bên cạnh ưu điểm cũng có những khó khăn nhất định như thiếu sự chủ động, linh hoạt của cấp phường. Đặc biệt là với công việc phát sinh đột xuất hay việc chủ động xử lý các vấn đề của địa phương như sự cố hạ tầng kỹ thuật đô thị hay về chăm lo hỗ trợ cán bộ tổ dân phố, hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, nhất là dịp Tết." - Chủ tịch UBND phường Thạch Bàn (quận Long Biên) Nguyễn Văn Thắng