Nâng hiệu quả các vùng rau an toàn Hà Nội

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng với việc hình thành tập quán sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) an toàn, hiệu quả cho nông dân, ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng đối với các vùng sản xuất rau an toàn.

Hình thành tập quán sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả 
Thời gian qua, ngành nông nghiệp Hà Nội đã hỗ trợ nhiều địa phương trên địa bàn TP áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ, bảo đảm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng và hạn chế gây ô nhiễm môi trường.

Sản xuất rau an toàn tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức. Ảnh: Ánh Ngọc
Sản xuất rau an toàn tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức. Ảnh: Ánh Ngọc

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Lưu Thị Hằng thông tin: để nâng cao nhận thức cho người sản xuất về sản phẩm rau an toàn, thời gian qua, Chi cục đã phối hợp với các huyện mở nhiều lớp tập huấn, hỗ trợ về kỹ thuật canh tác cho nông dân, tuyên truyền, vận động, nông dân đã thay đổi tập quán canh tác, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả.  

Khảo sát cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc thảo mộc, sinh học tăng dần (năm 2005, theo IPM là 34,3% và theo tập quán là 30,2%; năm 2021, IPM là 83,4% và tập quán là 38,9%). Lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng giảm đáng kể giữa ứng dụng IPM và theo tập quán (năm 2005, IPM là 1,4kg/ha/năm và tập quán là 3,4kg/ha/năm; năm 2021, IPM là 2,4kg/ha/năm và tập quán là 3,8kg/ha/năm).

Chi phí sử dụng thuốc BVTV giảm, tuân thủ thời gian cách ly khi thu hoạch. Đặc biệt, lượng thuốc BVTV sử dụng trên các cây trồng của Hà Nội (trong đó có rau) là khoảng 200 tấn, bằng 0,3% so với toàn quốc (hơn 70.000 tấn). Tỷ lệ mẫu rau phân tích vượt dư lượng thuốc BVTV tối đa cho phép thấp (hàng năm phân tích từ 300 - 500 mẫu rau, có khoảng 1-2% mẫu vượt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tối đa cho phép). Tuy nhiên, năng suất rau vẫn tăng mạnh, năm 2008 đạt 160 tạ/ha và năm 2022 đạt 219,52 tạ/ha.
Chuyên nghiệp hóa các vùng sản xuất rau an toàn

Theo báo cáo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, thực tế triển khai sản xuất rau theo hướng an toàn, hữu cơ còn gặp khó khăn. Hiện sản xuất nông nghiệp nói chung và rau an toàn nói riêng, quy mô vẫn còn nhỏ lẻ. Số lượng hộ nông dân tham gia sản xuất nhiều, gây khó khăn cho việc triển khai các mô hình, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao, cũng như khó thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. 

Vùng rau an toàn xã Văn Đức, huyện Gia Lâm. Ảnh: Ánh Ngọc
Vùng rau an toàn xã Văn Đức, huyện Gia Lâm. Ảnh: Ánh Ngọc

Ngoài ra, ở các vùng trồng rau hiện nay, người trồng vẫn tự tìm nguồn tiêu thụ là chính, đầu ra chưa ổn định. Bên cạnh đó, nhiều nông dân chưa quen với việc sản xuất theo hợp đồng, chưa tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất hàng hóa, chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt, chưa thấy được lợi ích lâu dài.

Để tháo gỡ khó khăn và nâng cao hiệu quả của các vùng trồng rau an toàn, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Hà Nội xác định, việc thay đổi tập quán sản xuất rau an toàn của người dân là quan trọng nhất. Do đó, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn cách sử dụng thuốc BVTV an toàn cho người dân, trong đó thông tin cụ thể về các loại thuốc cấm sử dụng, các loại thuốc BVTV đã bị loại khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Mạnh Phương, Sở chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV tập trung phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm và quy trình sản xuất cho nông dân tại các vùng sản xuất tập trung; nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nhằm hạn chế sử dụng thuốc BVTV, phân bón, bảo vệ môi trường. Đồng thời, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ gắn với xây dựng thương hiệu; truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng, mã định danh đối với các vùng sản xuất rau hàng hóa có khả năng, tiềm năng xuất khẩu.

Đặc biệt, thực hiện các lớp tập huấn IPM, an toàn thực phẩm, thử nghiệm kỹ thuật mới trong sản xuất rau, cây ăn quả, cây chè an toàn; cử cán bộ phối hợp với các địa phương tăng cường bám sát đồng ruộng, quản lý, giám sát tình hình sản xuất rau, quả, chè, nhất là việc sử dụng thuốc BVTV. Mặt khác, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tại các vùng sản xuất trên địa bàn; phát hiện kịp thời các sai phạm và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Một nhiệm vụ quan trọng nữa là triển khai các mô hình kiểm tra cộng đồng áp dụng PGS trong sản xuất rau, quả, chè an toàn tại các xã trên địa bàn Hà Nội. Kiểm tra, lấy mẫu tại các vùng rau, quả, chè đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và vùng PGS, các cơ sở sơ chế rau an toàn có hoạt động sản xuất.

 

Các địa phương cần đẩy mạnh kết nối, liên kết giữa các vùng sản xuất rau để có kế hoạch sản xuất hàng hóa quy mô lớn, bảo đảm về chất lượng, an toàn, chủng loại, mẫu mã cung ứng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ và hướng tới xuất khẩu.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Mạnh Phương