Năng lực chế biến rau củ hạn chế, xuất khẩu “đánh rơi” hàng tỷ đô

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thế giới đang có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm trái cây, rau quả chế biến. Tuy nhiên, ngành chế biến trái cây, rau quả của Việt Nam vẫn rất khiêm tốn, chưa phát triển khiến DN “đánh rơi” hàng tỷ USD.

Tỷ lệ chế biến mới đạt 12 - 17%

Thống kê của Bộ Công Thương, mỗi năm thị trường châu Âu nhập khẩu rau củ quả khoảng 120 tỷ USD, chiếm 40% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu rau quả toàn cầu. Mặc dù châu Âu có nhu cầu lớn về rau quả, nhưng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang châu Âu chỉ đạt 190 triệu USD, chiếm tỷ trọng 0,36% lượng nhập khẩu của EU.

Chế biến hoa quả sau thu hoạch phục vụ xuất khẩu
Chế biến hoa quả sau thu hoạch phục vụ xuất khẩu

Lý giải nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường châu Âu chiếm tỷ trọng khiêm tốn, Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) Phạm Hưng cho biết, trong cơ cấu trái cây, rau quả Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu, sản phẩm tươi khoảng 70%, sản phẩm chế biến chỉ chiếm 30%. 

“Sản lượng trái cây, rau quả Việt Nam đạt 31 triệu tấn nhưng tỷ lệ chế biến chỉ đạt khoảng 12 - 17%, điều này khiến 76% rau quả xuất khẩu vẫn đang ở dạng tươi hoặc sơ chế bảo quản là chủ yếu. Trong khi nhu cầu ăn uống của người dân trên toàn thế giới nói chung, châu Âu nói riêng đang nghiêng về sử dụng trái cây, rau củ đã qua chế biến. Đây là nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng thấp” - ông Phạm Hưng nêu rõ.

 

Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương cần đề xuất cấp thẩm quyền để có nguồn ngân sách tập trung ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp vay ưu đãi đầu tư vào hệ thống kho lạnh và đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển các nhà máy chế biến rau quả. Khi đầu tư nhà máy, doanh nghiệp cũng cần các cơ quan chức năng quản lý quy hoạch vùng trồng hợp lý, tránh tình trạng có nhà máy lại không có nguyên liệu.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Nafoods Nguyễn Mạnh Hùng

Phân tích lý do khiến rau quả xuất khẩu Việt Nam chủ yếu là hàng chưa qua chế biến, Viện trưởng Viện Cơ điện Nông nghiệp & Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN&PTNT) Phạm Anh Tuấn nêu rõ, Việt Nam hiện chỉ có 7.500 cơ sở chế biến bảo quản trái cây quy mô siêu nhỏ, hộ gia đình, 150 nhà máy công nghệ hiện đại công suất chế biến đạt gần 1,1 triệu tấn/năm, nên chỉ chế biến được khoảng 8 - 10% sản lượng trái cây, rau củ mỗi năm.

Bên cạnh đó, diện tích canh tác chủ yếu theo  nhỏ lẻ, phân tán, không đồng nhất, chế biến theo mùa vụ (2 - 3 tháng/năm) nên xẩy ra tình trạng nguyên liệu chỉ đáp ứng 50 - 60% công suất chế biến. Ngoài ra chất lượng an toàn thực phẩm của nông sản Việt vẫn chưa được đảm bảo đồng đều về kích thước, mùi vị, dinh dưỡng đã gây khó khăn không nhỏ cho hoạt động chế biến sau thu hoạch.

Tháo gỡ nút thắt

Theo các chuyên gia kinh tế, chế biến sau thu hoạch là chìa khóa để tăng giá trị nông sản. Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm G.C (GC Food) Nguyễn Văn Thứ nhận định, trái cây sau khi chế biến mới có thể nâng cao giá trị xuất khẩu.

“Dừa khô, nông dân chỉ bán được 5.000 đồng/kg nhưng thạch dừa có giá 25.000 đồng/kg, đó là giá trị gia tăng từ công nghiệp chế biến” - ông Nguyễn Văn Thứ nêu ví dụ.

Đại diện Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, phát triển ngành trái cây, rau quả theo hướng chế biến không chỉ giúp kiểm soát được giá thành, mà còn nâng giá trị hàng hóa lên gấp 3 - 4 lần so với mặt hàng tươi. Đặc biệt hoạt động này còn giúp tăng thời gian bảo quản nông sản, giải thoát tình trạng dư thừa cục bộ nguồn cung.

Chế biến hoa quả sau thu hoạch phục vụ xuất khẩu
Chế biến hoa quả sau thu hoạch phục vụ xuất khẩu

Tuy nhiên để làm được điều này đòi hỏi chi phí đầu tư không nhỏ, trong khi đa phần doanh nghiệp chế biến rau quả quy mô vốn rất nhỏ (hơn 80% số cơ sở dưới 2 tỷ đồng), không được ưu tiên về mặt bằng sản xuất; Công tác bảo quản sau thu hoạch của người nông dân chưa chú trọng dẫn tới tổn thất sau thu hoạch hơn 20%...

Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến trái cây sau thu hoạch phản ánh, chỉ khoảng 30% doanh nghiệp có khả năng tiếp cận vốn ngân hàng, những đơn vị còn lại quy mô vừa và nhỏ nên việc tiếp cận vốn vay không hề dễ dàng, cơ chế chính sách, mức hỗ trợ thấp.

Trước thực trạng trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần xác định đối tượng, sản phẩm, quy mô sản xuất, khả năng đầu tư và thị trường mục tiêu, lựa chọn nhà tư vấn công nghệ thiết bị phù hợp, đầu tư xây dựng nhà xưởng...

Đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản kiến nghị, cần phải tổ chức lại sản xuất, vùng nguyên liệu theo hướng đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi để đảm bảo nguyên liệu cho chế biến. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu ban hành văn bản quy phạm pháp luật quản lý liên kết chuỗi, có quy định điều phối các hoạt động liên kết, nâng cao năng lực chế biến, bảo quản rau quả...

Dưới góc độ doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamit Nguyễn Lâm Viên đề xuất, để thúc đẩy tiêu thụ rau quả, các địa phương cần xây dựng hệ thống thông tin minh bạch, xây dựng trung tâm đầu mối tiếp nhận, phân bổ thông tin tại các vùng trồng. Qua đó, kiểm soát chất lượng sản phẩm, hình thành những vùng nguyên liệu quy mô lớn.

Đồng tình với ý kiến này, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên đề xuất thời gian tới Chính phủ, các bộ, ngành cần hỗ trợ địa phương quy hoạch khu chế biến và có chính sách khuyến khích đầu tư; hỗ trợ về nguồn vốn cũng như chuyển giao công nghệ... Ðặc biệt, cần có các hỗ trợ về vốn, kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp xây dựng mô hình liên kết hiệu quả và bền vững tại vùng nguyên liệu; Tăng cường quản lý vùng trồng, quản lý chất lượng vật tư, cây giống và cả quá trình sản xuất, chế biến để đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Kiến nghị của doanh nghiệp, cơ quan quản lý cho thấy muốn nâng cao kim ngạch, giá trị xuất khẩu mặt hàng trái cây, nông sản, đòi hỏi nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ; Xây dựng, phát triển các nhà máy chế biến gắn với vùng nguyên liệu, cụm logistics hạ tầng giao thông đồng bộ, qua đó tạo thuận lợi tối đa cho vận chuyển, chế biến và tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa và xuất khẩu.