Nâng thời gian đăng ký tạm trú: Giảm áp lực người dân đổ dồn về đô thị

Cung Thúy Quỳnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi 0 Với tốc độ phát triển đô thị hóa mạnh, nhiều TP, trong đó có Hà Nội đang phải đối diện với những thách thức không nhỏ khi một lượng rất lớn người dân đổ dồn về sinh sống.

Phương án kéo giãn người nhập hộ khẩu tại Hà Nội đang được cơ quan có thẩm quyền đưa ra theo hướng sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú.

Luật Cư trú còn nhiều bất cập

Theo kết quả tổng kiểm tra hộ khẩu năm 2017, Thủ đô Hà Nội có hơn 2 triệu hộ với gần 7,5 triệu nhân khẩu, tăng gần 180.000 hộ và 600.000 nhân khẩu so với năm 2013. Và theo báo cáo của Cục Thống kê Hà Nội cho thấy, tốc độ tăng dân số TP trong những năm gần đây có xu hướng tăng nhanh, khoảng trên 200.000 người/năm và chủ yếu là tăng cơ học, đặc biệt là tại các quận nội thành tăng bình quân khoảng 1,8% so với năm trước. Mật độ dân số trung bình là 2.279 người/km2 cao khoảng gấp 7,6 lần so với cả nước. Với mật độ dân số đông, quá tải, gây mất cân đối về phân bố dân cư và an sinh xã hội, dẫn đến điều kiện về cơ sở hạ tầng, dịch vụ công không quá tải, tạo nên sức ép rất lớn về các vấn đề xã hội liên quan.
 
Tuy nhiên hiện nay, một số quy định của Luật Cư trú và văn bản hướng dẫn thi hành, văn bản quy phạm có liên quan chưa thực sự phù hợp, nhất là tại những TP trực thuộc T.Ư. Cụ thể, Luật Cư trú đã có tác dụng hạn chế người nhập hộ khẩu vào nội thành nhưng chưa hạn chế được tình trạng nhập cư. Dẫn đến, lượng người ngoại tỉnh đến sống tại Thủ đô khá đông, nảy sinh tình trạng khó khăn trong nhập hộ khẩu, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân trong một số hoạt động như học tập, chăm sóc y tế, quá tải về hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị...

Tiếp đến, Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định xóa đăng ký thường trú đối với các trường hợp công dân không còn đảm bảo điều kiện về chỗ ở hợp pháp như: Nhà ở thực tế không còn do di dời, đền bù, giải tỏa hay đã bán nhà cho người khác, trường hợp hết hợp đồng thuê nhà, mượn nhà hoặc không còn được ở nhờ... gây khó khăn trong công tác quản lý cư trú. Nhiều trường hợp hộ gia đình có nhà bị giải tỏa hoặc bán nhà chuyển đi nơi khác sinh sống, sau khi đã được đăng ký thường trú nơi ở mới nhưng không quay lại để xóa tên trong sổ hộ khẩu ở nơi ở cũ. Đặc biệt, Luật Cư trú quy định nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống; nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. Tuy nhiên, Luật Cư trú và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định rõ ràng thế nào là “thường xuyên sinh sống” nên Hà Nội và nhiều địa phương chưa thống nhất cách giải quyết.

Giảm 50.000 người nhập hộ khẩu/năm

Khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong công tác đăng ký, quản lý cư trú, Bộ Công an đang có hướng kiến nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú theo đúng chương trình, kế hoạch xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII. Đáng chú ý, kiến nghị sửa đổi, bổ sung điều kiện về đăng ký thường trú tại TP trực thuộc T.Ư (trong đó có Hà Nội). Theo đó, tăng thời hạn tạm trú để được đăng ký thường trú từ 1 năm lên 2 năm; quy định điều kiện về diện tích tối thiểu khi đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của tổ chức, cá nhân.

Theo thống kê, trung bình mỗi năm, Công an TP Hà Nội thực hiện đăng ký tạm trú mới cho khoảng trên 50.000 trường hợp. Như vậy, với việc tăng thời gian tạm trú từ 1 năm lên 2 năm thì trung bình 2 năm mới có khoảng hơn 50.000 trường hợp đăng ký thường trú vào địa bàn Thủ đô. Phương án này sẽ giảm tốc độ tăng dân số cơ học, TP Hà Nội sẽ có thêm thời gian, điều kiện về vật chất để đầu tư cơ sở hạ tầng, các dịch vụ công phục vụ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân đang cư trú trên địa bàn TP.