Náo nức trẩy hội Xuân

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết thúc những ngày nghỉ Tết, Hà Nội hết vắng vẻ. Từng tụ điểm du Xuân như Hồ Gươm, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Phủ Tây Hồ, hội Gò Đống Đa, chùa Hương… lại nô nức đón dòng người từ bốn phương về dự hội, ghé thăm di tích.

Phố phường bắt đầu chật hẹp, ngày hội Xuân cũng vì thế trở nên náo nhiệt và không thiếu những điểm ùn ứ.

Âm vang trống hội
6 giờ ngày 1/2 (mùng 5 tháng Giêng), Lễ hội kỷ niệm 228 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2017) đã khai màn tại Công viên văn hóa Đống Đa (quận Đống Đa). Lễ hội Ngọc Hồi - Đống Đa năm nay đông hơn mọi năm không phải vì ngày hội đón những vị khách đặc biệt từ T.Ư như: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Đảng Trần Quốc Vượng; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu… hay lãnh đạo TP Hà Nội như: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung; Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn… mà còn là sự ghi nhận, đón chào của hàng nghìn người dân địa phương trong màn tế lễ, dâng hương tưởng niệm lên Hoàng đế Quang Trung.
Theo bà Nguyễn Thanh – thành viên đoàn tế lễ tỉnh Quảng Ninh: “Năm nay, thay vì các đoàn rước lễ từ hậu cung, đi qua các con đường Đặng Tiến Đông, Tây Sơn… về tượng đài vua Quang Trung, chúng tôi rước thẳng từ hậu cung về tượng đài. Ban tổ chức rút ngắn quãng đường rước lễ để giảm tải tình trạng UTGT quanh khu vực này. Thực tế là nhờ bố trí bãi trông xe miễn phí hợp lý, thay đổi lộ trình đoàn rước nên lễ hội Ngọc Hồi - Đống Đa đã diễn ra trật tự, văn minh hơn rất nhiều so với những năm trước”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo T.Ư và TP Hà Nội dâng hương tại Lễ hội Gò Đống Đa. Ảnh: Thanh Hải

Sau tiếng trống khai hội, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Nguyễn Song Hào đã đọc diễn văn ôn lại dấu ấn lịch sử mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789, vào đúng ngày mùng 5 tháng Giêng cách đây 228 năm, trên địa danh lịch sử Đống Đa, nghĩa quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ đánh tan hàng vạn quân Thanh xâm lược, giải phóng kinh thành Thăng Long, đưa đất nước trở lại yên bình. Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa là sự hội tụ, phát huy tinh thần yêu nước, yêu độc lập - tự do ngàn đời của dân tộc Việt Nam; của truyền thống đoàn kết, dũng cảm; là chiến công vĩ đại, hiển hách, mãi mãi đi vào lịch sử chống giặc ngoại xâm của Nhân dân ta, là bản anh hùng ca bất hủ trong cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước. Kế thừa và phát huy truyền thống anh hùng, chính quyền và Nhân dân quận Đống Đa nỗ lực xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Sau màn lễ, du khách về dự hội được thưởng thức chương trình nghệ thuật sử thi “Chào mừng kỷ niệm 228 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa” do các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Tuồng Việt Nam thể hiện. Thông qua những tiết mục tái hiện lại cuộc tiến công thần tốc, bất ngờ của nghĩa quân Tây Sơn, chương trình nghệ thuật đã chuyển tải khát vọng hoà bình, ý chí chống ngoại xâm muôn đời của Nhân dân ta tới thế hệ hôm nay và mai sau. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, trò chơi dân gian truyền thống như: Hát quan họ, múa tứ linh, múa quạt, múa sinh tiền, cờ người, cờ tướng… diễn ra cùng ngày mang đến cho người dân và du khách ngày hội đầu Xuân nhiều ý nghĩa.
Chen chúc, vô tư sờ đầu rùa
Không chỉ ở những nơi diễn ra lễ hội, mà ở nhiều di tích trong Thủ đô cũng thu hút hàng chục nghìn người mỗi ngày. Trong 2 ngày mùng 4 và mùng 5 Tết, khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám như nêm chặt người. Gần 200.000 lượt người đã ghé thăm di tích trong 5 ngày Tết là con số được ông Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám thông tin tới phóng viên báo Kinh tế & Đô thị. Riêng ngày mùng 5, lượng du khách ghé thăm Văn Miếu tăng 1,2 lần so với các ngày trước. 9 giờ sáng ngày mùng 5, du khách xếp hàng gần 1 giờ để mua được tấm vé vào cổng di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Cả khoảng rộng hàng nghìn mét vuông đã không còn một chỗ trống, khu vườn Giám ngập tràn xe máy, khu Nội tự và hồ Văn mênh mông biển người.
Theo lý giải của Ban lý di tích thì ngày mùng 4 và mùng 5, nhiều du khách ở ngoại tỉnh đã bắt đầu lên Hà Nội nên ghé thăm Văn Miếu vừa du Xuân, thắp nén hương thể hiện lòng thành với các bậc hiền tài của quốc gia, vừa để xin chữ đầu năm. Khác hẳn với vẻ vắng lặng trong những ngày 30, mùng 1 và mùng 2 Tết, các ông đồ tại hồ Văn cũng như khu vực sân Thái Học viết mỏi tay. Người cho chữ vội vã, người nhận chữ cũng hấp tấp rút ra để nhường lượt cho người tiếp theo. Thú chơi chữ, giao lưu về Hán học gần như không có, hoặc chỉ xuất hiện ở một số lều của nhà thư pháp Cung Khắc Lược và Lê Quốc Việt. Tại các lều chữ hồ Văn, các ông đồ còn cần đến sự hỗ trợ đắc lực của người nhà để sấy từng tấm giấy, còn tại sân Thái Học vì không được sấy nên người xin chữ đành… hong phơi giữa sân chờ khô mực.
Ý thức của người dân đến với người dân cũng không cải thiện là mấy, lực lượng bảo vệ của Ban quản lý di tích gần như khản tiếng cũng không ngăn hết được hành động trèo rào vào sờ đầu rùa chờ may mắn của một số người. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên trong ngày mùng 5 Tết, cho dù lượng khách viếng thăm rất đông nhưng việc phân luồng ra, vào hợp lý nên không xảy ra tình trạng nghẽn tắc tại khu vực quầy vé, đường Văn Miếu. Giá của từng chủng loại giấy ở mỗi lều chữ được thống nhất từ 100.000 - 400.000 đồng (tùy loại giấy dầu hay giấy dó).
Bảo vệ dày đặc, “cò” trở nên tinh vi
Hôm nay (ngày 2/2, tức ngày mùng 6 tháng Giêng), rất nhiều lễ hội lớn trên địa bàn Thủ đô sẽ đánh trống khai mạc mùa hội Xuân Đinh Dậu. Lễ hội đền Sóc (xã Phù Linh, Sóc Sơn) sẽ khai hội lúc 7 giờ bằng màn đọc văn tế và cung tiến 8 lễ vật cung tiến như: Nữ tướng trẻ, Cầu húc, Giò hoa tre, Voi chiến, Ngựa sắt, Trầu cau, Ngà voi và Cỏ voi. “Ban tổ chức đã bố trí 218 chiến sĩ công an, 200 thanh niên tình nguyện bảo vệ trong ngày khai hội, nhằm bảo đảm tuyệt đối không để xảy ra tình trạng bạo lực. Chúng tôi vẫn giữ nguyên tục cướp giò hoa tre, vì đây là truyền thống văn hóa trong lễ hội. Tuy nhiên, năm nay, đội bảo vệ giò hoa tre thay vì sử dụng gậy gộc sẽ được trang bị bác bửu để bảo vệ đoàn rước” – ông Nguyễn Nam Nho – Trưởng ban Quản lý di tích lịch sử đền Sóc cho biết.
Chùa Hương khai hội vào ngày mùng 6, nhưng từ ngày mùng 2 xuôi dòng suối Yến về động Hương Tích luôn ghi nhận cảnh ùn ứ. Đặc biệt, ngày mùng 3 tháng Giêng, Ban tổ chức lễ hội chùa Hương đón gần 40.000 lượt khách về đây trẩy hội. Đường dẫn vào động Hương Tích gần như không còn một khoảng trống. Cho dù lực lượng “cò” đò có giảm, nhưng rác vẫn xuất hiện nhiều trên suối Yến. Các loại củ, hạt, dễ lá làm thuốc nam vẫn được bày bán la liệt tại khu vực đền Trình và khu vực Thiên Trù với giá 400.000 - 500.000/kg. Do các đơn vị siết chặt quản lý, không còn tình trạng thịt tươi sống bày bán phản cảm, nhưng cò thuốc chữa bệnh hiếm muộn cũng vì thế mà tinh vi hơn trong các “vai diễn” kẻ bán – người mua.
Một mùa hội mới đang bắt đầu cùng với nhu cầu du Xuân mang theo những hy vọng một năm mới nhiều tươi vui ở tâm trí mỗi con người. Mùa Xuân ấy có giữ được vẻ đẹp vốn rất thanh lịch của mảnh đất ngàn năm văn hiến; ấn tượng của mỗi người đến các di tích là mùi của hương trầm, của giấy dó quyện vào nhau thành mùi của hương Xuân rất đặc trưng hay sẽ là ấn tượng của hình ảnh xấu xí, lệch lạc lại phụ thuộc vào ý thức của mỗi người trong chính ngày hội.
Ông Nguyễn Văn Hậu – Trưởng Ban tổ chức lễ hội
chùa Hương cho biết: Từ ngày mùng 2 (29/1) đến chiều ngày 5 Tết (tức 1/2), Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương đón hơn 100.000 lượt khách, tăng gần 6.000 lượt so với năm 2016. Dự kiến ngày mùng 6 (tức 2/2) sẽ đón 40.000 lượt khách. Do ngày khai hội là ngày đầu đi làm sau đợt nghỉ Tết nên lượng khách đến với chùa Hương sẽ không tăng đột biến, mà chỉ bằng các năm trước. (Ánh Ngọc) 

Ngày 4 tháng Giêng, Ban tổ chức Hội chữ Xuân Đinh Dậu đã trục xuất ông đồ Nguyễn Văn Toàn vì cài cắm thêm người mang hình thức đồ già để thu hút người xin chữ. Những người cài cắm này không qua sát hạch nên viết chữ sai, chữ xấu, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của Hội chữ.
Ông Trần Quốc Chí – Chủ nhiệm CLB thư pháp Việt Nam, thành viên Ban tổ chức Hội chữ Xuân 2017