NATO thông qua các biện pháp chống Nga giữa lúc “nội bộ lục đục”

Nguyễn Phương (Theo AP)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 4/4, các bộ trưởng ngoại giao NATO đã phê chuẩn một loạt các biện pháp nhằm chống lại Nga tại khu vực Biển Đen.

NATO đẩy mạnh sự hiện diện quân sự tại khu vực Biển Đen
Hội nghị Ngoại trưởng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã diễn ra tại thủ đô Washington, Mỹ ngày 4/4.
Hội nghị Ngoại trưởng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã diễn ra tại thủ đô Washington, Mỹ ngày 4/4.
Đây là hoạt động cuối cùng trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm lần thứ 70 ngày Liên minh quân sự lớn nhất thế giới ra đời với sự tham dự của Ban thư ký NATO, Ngoại trưởng 29 nước thành viên. Dự kiến, Bắc Macedonia sẽ trở thành thành viên chính thức thứ 30 của NATO vào mùa Thu năm 2019.
Theo tuyên bố chung được thông qua sau hội nghị, các bộ trưởng đã đồng ý tăng cường hợp tác với GeorgiaUkraine trong lĩnh vực hàng hải, đẩy mạnh việc tuần tra và giám sát tại khu vực Biển Đen.
Các bộ trưởng NATO cũng yêu cầu Nga chấm dứt việc sáp nhập bán đảo Crimea, thả các thủy thủ Ukraine và các tàu bị bắt trong cuộc xung đột trên biển Azov hồi năm ngoái. Ngoài ra, các ngoại trưởng NATO cũng kêu gọi Nga tiếp tục thực hiện Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), sau khi Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi hiệp ước vào tháng 8 tới trừ khi Nga quay trở lại tuân thủ.
Hiệp ước INF được Liên bang Xô viết và Mỹ ký kết ngày 8/12/1987, có hiệu lực từ ngày 1/61988, theo đó hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung (từ 1.000 đến 5.000km) và tầm ngắn (từ 500 đến 1.000km).
Mỹ đã nhiều lần cáo buộc Nga vi phạm bản Hiệp ước này, tuy nhiên Nga mạnh mẽ bác bỏ tất cả những cáo buộc đó, đồng thời bày tỏ lo ngại sâu sắc trước việc Washington không tuân thủ Hiệp ước.
NATO gia tăng rạn nứt ở tuổi 70
Hội nghị Ngoại trưởng NATO năm nay diễn ra trong bối cảnh xuất hiện những rạn nứt giữa Mỹ và một số nước trong số 28 thành viên khác về các vấn đề an ninh và thương mại.
Không tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề, NATO còn phải chứng kiến tình trạng “nội bộ lục đục” khi Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn lớn tiếng chỉ trích đồng minh.
Ông Trump đã từng gọi NATO là một tổ chức đã lỗi thời và không ít lần tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi liên minh quân sự này. Thực tế trên khiến vai trò và năng lực của NATO luôn bị đặt câu hỏi, buộc liên minh quân sự 70 tuổi phải nhìn nhận lại lý do tồn tại của mình trong một thế giới đang biến động không ngừng.
Hiện Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đang tranh cãi về kế hoạch mua hệ thống phòng không từ Nga của Ankara. Ngoài ra, Washington cũng yêu cầu các đồng minh, đặc biệt là Đức, tăng cường chi tiêu quốc phòng và đề cập đến chính sách thuế quan với chính phủ Canada trong bài phát biểu tại hội nghị.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu tại hội nghị hôm 4/4.
Phát biểu tại cuộc họp báo bên lề hội nghị, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kêu gọi các đồng minh cùng sát cánh để giải quyết những thách thức lớn từ Nga, Trung Quốc và Iran.
Ngoại trưởng Pompeo cho rằng, không một liên minh nào có thể tồn tại mà không có sự đầu tư thích đáng từ tất cả thành viên. Ông Pompeo cũng kêu gọi các nước thành viên giải thích cho người dân nước mình về tầm quan trọng của răn đe tập thể và các cam kết chi tiêu sẽ giúp củng cố đoàn kết về chính trị.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, trong một bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ hôm 3/4 cũng như tại hội nghị ngày 4/4, đã thừa nhận sự chia rẽ nghiêm trọng trong liên minh và kêu gọi các nước tăng ngân sách nhiều hơn cho lĩnh vực quốc phòng.
Trước đó, trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã nhắc lại sự phản đối của Washington đối với Ankara khi Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định sẽ xúc tiến kế hoạch mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.
Trong một dấu hiệu gia tăng căng thẳng giữa Ankara và Washington, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã có phản ứng đối với “tối hậu thư” của Bộ Ngoại giao Mỹ. Theo Ngoại trưởng Cavusoglu, ông Pompeo đã cảnh báo về những hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với hành động quân sự đơn phương của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền bắc Syria cũng như việc mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.
Tổng thư ký NATO Stoltenberg cũng thừa nhận rằng những vấn đề trên là nguyên nhân dẫn đến cuộc “khẩu chiến” gay gắt giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời hy vọng hai quốc gia sẽ tìm ra giải pháp giải quyết bất đồng này. “Chúng tôi hoàn toàn nhận ra rằng đây là một thách thức”, ông Stoltenberg cho hay.
Cũng tại hội nghị ngoại trưởng NATO, Bộ trưởng Ngoại giao Canada Chviaia Freeland đã thể hiện sự phản đối của Ottawa đối với việc bị Mỹ coi là mối đe dọa an ninh quốc gia tiềm tàng liên quan đến sản xuất thép. Ngoại trưởng Freeland cho rằng việc áp thuế của Mỹ đối với sản phẩm thép của Canada là vô lý, đồng thời nhấn mạnh việc tham dự hội nghị lần này là bằng chứng cho thấy Ottawa không phải là mối đe dọa đối với Washington. “Chúng tôi thực sự nghĩ rằng điều này là vô căn cứ”, bà Freeland nói với các phóng viên.