Nên hay không khuyến khích, tuyên truyền phong trào “hiệp sĩ” trấn áp tội phạm

Hà Nam (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Chúng ta không nên khuyến khích, tuyên truyền phong trào hiệp sĩ trấn áp tội phạm” - đó là quan điểm của luật sư Trần Đình Dũng (Trung tâm tư vấn pháp luật TP Hồ Chí Minh - Trung ương Hội luật gia Việt Nam) trong buổi trao với phóng viên về vụ việc các “hiệp sĩ” bị đâm chết vừa qua tại TP Hồ Chí Minh đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

Phóng viên (PV): Sự việc 2 “hiệp sĩ” thiệt mạng và 3 “hiệp sĩ” khác bị trọng thương hiện đang được dư luận cả nước quan tâm đặc biệt với niềm tiếc thương, sự anh dũng hy sinh của họ, luật sư nghĩ về việc này như thế nào?

Luật sư Trần Đình Dũng: Xin chia buồn cùng gia đình các “hiệp sĩ”! Tôi nghĩ, hành động quả cảm, anh dũng của các “hiệp sĩ” rất xứng đáng để xã hội tri ân họ.
Luật sư Trần Đình Dũng.
Căn cứ vào quy định pháp luật, các “hiệp sĩ” trong trường hợp này đủ điều kiện được truy tặng các huân, huy chương và Chủ tịch nước cũng đã tặng huân chương dũng cảm cho các “hiệp sĩ” vào ngày 18/5 vừa qua. Chiếu theo Điều 11, Pháp lệnh Ưu đãi người có công năm 2005, sửa đổi bổ sung 2012, thì có thể được truy tặng liệt sĩ thuộc trường hợp phòng chống tội phạm vì lợi ích của nhân dân, cho 2 “hiệp sĩ” thiệt mạng.

Tuy nhiên, đó là việc luật định về hành động đã xảy ra của các “hiệp sĩ”. Nhưng mới đây một số “ứng xử thái quá” như cổ động cho phòng trào “hiệp sĩ” trấn áp tội phạm, thậm chí Sở Giáo dục & Đào tạo TP Hồ Chí Minh đưa vào trường học nhằm giáo dục học sinh… Tôi cho rằng, như thế là không ổn chút nào.

PV: Luật sư có thể nói rõ hơn nhận định về việc cổ động cho phòng trào “hiệp sĩ”?

Luật sư Trần Đình Dũng: Chúng ta phải nhìn hành vi các “hiệp sĩ” ở nhiều góc độ khác nhau. Thứ nhất, đây là hành động dũng cảm đã diễn ra. Thứ hai, chúng ta có muốn nó tiếp tục diễn ra như thế nữa hay không?

Các “hiệp sĩ” tay không chiến đấu với tội phạm đường phố có vũ khí, không loại trừ trường hợp tội phạm có súng thì dễ dàng bị thiệt mạng (như vừa xảy ra). Không chỉ bản thân họ, mà chúng ta phải nhìn thêm tính mạng những người xung quanh. Trong khi đó, luật pháp không cho phép người không thuộc lực lượng vũ trang nhân dân như các “hiệp sĩ” sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ.

Nhiều chuyên gia xã hội cũng đã nêu ý kiến trên truyền thông mấy ngày qua về việc không nên khuyến khích “hiệp sĩ” đi bắt cướp. Và cũng có không ít ý kiến tranh cãi nhau.

Tôi cho rằng, trấn áp tội phạm “nóng” trên đường phố là chức trách của lực lượng cảnh sát hình sự đặc biệt. Chúng ta không nên khuyến khích phong trào hiệp sĩ trấn áp tội phạm. Nó quá nguy hiểm cho những người “có máu yên hùng” và người đi trên phố. Chưa kể, việc trấn áp tội phạm như thế có thể dẫn đến “hiệp sĩ” vi phạm một số tội như: Cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật…

PV: Nhưng tình hình tội phạm cướp giật, trộm cắp… trên đường phố ở các đô thị lớn diễn ra khá nhiều, phòng trào các “hiệp sĩ” cũng đã góp công rất lớn giúp cho người dân?

Luật sư Trần Đình Dũng: Đối với tội phạm, bất kỳ ai cũng có quyền bắt giữ họ và giao cho cơ quan công an xử lý. Như trên tôi đã nói, trấn áp tội phạm “nóng” là chức trách của cảnh sát. Tội phạm nhiều tức lực lượng cảnh sát “mỏng” quá, không làm hết nhiệm vụ. Tôi nói thẳng, nếu tội phạm xảy ra nhiều trên đường phố thì rõ ràng lực lượng cảnh sát quá yếu. Chúng ta phải làm sao để tăng cường cảnh sát, chứ không phải khuyến khích người tay không đi bắt tội phạm cầm dao mã tấu, thậm chí cả súng và rất hung hãn.

Tôi cho rằng, quá vô pháp và phi đạo đức khi khuyến khích phong trào “hiệp sĩ”. Trong khi có thể tổ chức lực lượng đặc biệt. Tôi nhớ trước đây ở TP Hồ Chí Minh có lực lượng săn bắt cướp chuyên nghiệp mà người dân rất tin yêu thường gọi với cái tên SBC, nay như ở Hà Nội có lực lượng cảnh sát đặc biệt 141. Những lực lượng này sẽ là các “hiệp sĩ chuyên nghiệp” được luật định để trấn áp tội phạm “nóng” trên đường phố.

Xin cảm ơn luật sư!