Nét đẹp cần ghi nhận, phát huy

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Theo Bộ Y tế, so với Tết Quý Mão 2023, số ca tai nạn liên quan đến giao thông trong 4 ngày đầu Tết Giáp Thìn 2024 giảm mạnh cả số khám, số nặng chuyển tuyến trên và số ca tử vong.

Đáng chú ý là theo thông tin từ các bệnh viện, những ca nhập viện cấp cứu do tai nạn giao thông liên quan đến vi phạm nồng độ cồn cũng giảm so với cùng kỳ năm trước. Chưa có những số liệu đầy đủ về tình hình tai nạn giao thông trong cả kỳ nghỉ Tết, đặc biệt là về hiện tượng vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, song cũng có thể coi đây là tín hiệu đáng ghi nhận.

Quan sát các hoạt động vui Xuân Giáp Thìn có thể thấy ý thức của người dân chấp hành quy định về nồng độ cồn, đã uống rượu bia không lái xe trong dịp Tết năm nay là khá rõ. Nó không chỉ thể hiện ở hành vi của mỗi người, tự ý thức không sử dụng đồ uống có cồn trước khi điều khiển các phương tiện tham gia giao thông mà nó còn thể hiện ở một góc độ khác. Đó là hầu như các gia đình không mời khách đến thăm hỏi, chúc Tết dùng đồ uống có cồn.

Còn nhớ trước khi có Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có thể nói hầu như ở bàn tiếp khách ngày Xuân của gia đình nào, dù là TP hay thôn quê đều không thiếu những đồ uống có cồn. Từ những lon bia, chai rượu vang, rượu nút lá chuối đến cả những chai rượu mạnh mác ngoại đắt tiền.

Dường như có một quy định bất thành văn, khách tới chúc Tết là đương nhiên chủ nhà phải mời rượu. Và cũng đương nhiên, đã mời thì khách không thể từ chối. Nếu khác đi, cả chủ lẫn khách đều bị coi là bất lịch sự, không hiếu khách hoặc không tôn trọng gia chủ. Đó là chưa kể đến những ca chủ ép khách uống đến chếnh choáng, thậm chí say mèm.

Đến năm Giáp Thìn này thì đã khác. Rất ít, thậm chí không có vị chủ nhà nào dùng đồ uống có cồn để mời khách tới chúc Tết. Kể cả trong những bữa cơm Tất niên hay đón mừng năm mới, người ta cũng không ép nhau uống rượu bia, nếu biết sau đó còn phải lái xe. Tất nhiên là vẫn còn phương án để những người thân, bạn bè vui hết mình trong những bữa tiệc Xuân đó là sử dụng các phương tiện giao thông công cộng hoặc phân công người cầm lái tuyệt dối không sử dụng độ cồn hay sử dụng dịch vụ “Bạn uống tôi lái”… Và kể cả khi đã có phương án an toàn như kể trên, tình trạng lạm dụng rượu bia, uống vô tội vạ trong những bữa tiệc mừng Xuân hay các cuộc liên hoan cũng giảm hẳn vì đa số mọi người đã biết đến và phòng tránh tác hại của rượu, bia không chỉ trong giao thông, mà còn với sức khỏe, cuộc sống, công việc.

Nói vậy để có thể thấy, việc chủ động không dùng đồ uống có cồn khi tham gia giao thông trong dịp Tết và cả những ngày thường là điều xuất phát từ nhận thức của mỗi người. Tất nhiên không thể phủ nhận việc hạn chế không sử dụng đồ uống có cồn, kéo giảm tai nạn giao thông gây ra do sử dụng rượu bia mà vẫn lái xe là tác dụng tích cực của việc lực lượng cảnh sát giao thông cùng các lực lượng phối thuộc quyết liệt kiểm tra, phát hiện và xử phạt những hành vi vi phạm trong lĩnh vực này một cách nghiêm khắc, thích dáng và không có vùng cấm. Và cũng phải thừa nhận là tình trạng các ma men điều khiển các phương tiện tham gia giao thông vẫn còn tồn tại, thậm chí có lúc, có nơi còn tăng, như trong ngày mùng 4 Tết vừa rồi.

Tuy nhiên, với những thực tế kể trên, có thể thấy một nét văn hóa mới đã dần hình thành và càng rõ hơn trong dịp Tết Giáp Thìn này. Đó là đã uống rượu, bia không lái xe. Và không chỉ có vậy, nét mới đáng ghi nhận là không mời, không ép người thân, bạn bè của mình sử dụng đồ uống có cồn trong dịp Tết đến, Xuân về, dù bất cứ lý do gì.

Đó là nét đẹp văn hóa mới cần ghi nhận, phát huy!