Nếu một ngày không có xe buýt

Nguyễn Văn Công (Xã Văn Phú, huyện Thường Tín, Hà Nội)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xe buýt đang và sẽ là phương tiện vận tải chủ lực của giao thông đô thị Hà Nội. Nhưng, nếu một ngày xe buýt “đi vắng” thì giao thông Hà Nội sẽ như thế nào?

Bãi đỗ xe di động…
Có nhiều ý kiến trái chiều cho rằng, xe buýt chính là nguyên nhân gây tắc đường, bởi loại phương tiện này quá lớn và dừng đỗ vào bến liên tục. Thậm chí còn lấy ví dụ một số vụ TNGT cá biệt liên quan đến xe buýt. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cụ thể như đường hẹp, đường đang thi công thì đúng là xe buýt khá cồng kềnh, nhưng xét về mặt phổ quát thì xe buýt đem lại lợi ích gấp nhiều lần so với phương tiện cá nhân.
Nếu như một ngày xe buýt "đi vắng", TNGT chắc chắn sẽ tăng lên. Không ai phủ nhận xe máy là phương tiện tham gia giao thông khá nguy hiểm, nhất là đối với đường phố nhiều ngõ ngách, hàng quán như Hà Nội. Các vụ va quệt do xe máy gây ra có thể bắt gặp thường xuyên trên bất kỳ con phố nào, nhất là đối với các tay lái yếu như chị em phụ nữ.

Xe buýt nhanh BRT hoạt động trên đường Lê Văn Lương. Ảnh: Chiến Công

Không có xe buýt, học sinh, sinh viên là tầng lớp sẽ tràn ra đường nhiều nhất. Đặc biệt với học sinh cấp THPT, khi các em chưa đủ kỹ năng điều khiển xe máy cùng tâm lý hiếu động sẽ dễ xảy ra TNGT. Xe buýt an toàn hơn xe máy vì đi theo làn, không cần giữ thăng bằng và hành khách được ở trong một “chiếc hộp” cứng cáp, nhân viên lái xe hầu hết có trình độ cao, được trang bị pháp luật giao thông và ý thức lái xe “tính mạng con người là trên hết”.
Viễn cảnh một bãi xe di động sẽ mở ra khi xe buýt vắng mặt. Năm, sáu mươi người trong một chiếc xe buýt biến thành năm, sáu mươi chiếc xe máy tràn ra đường sẽ ra sao? Các phương tiện lúc nhúc di chuyển không khác gì một bãi xe khổng lồ đang xê dịch. Hiện tại, Hà Nội có khoảng 1.500 xe buýt, mỗi xe chở trung bình 40 hành khách/lượt, nếu đem nhân số xe với số hành khách và tính ra phương tiện cá nhân thì sẽ có thêm 60.000 xe cá nhân ra đường.
Đó là câu chuyện dưới lòng đường, còn trên vỉa hè và chỗ để xe cũng không thể không nhắc tới. Nếu dòng phương tiện cá nhân quá lớn, chắc chắn vỉa hè lại bị chiếm dụng để gửi xe, người đi bộ cũng không còn lối để đi, không gian sống bị thu hẹp lại, mỹ quan đô thị còn đâu khi lổn nhổn xe máy? Lúc đó, tính cơ động của xe máy sẽ được ví như là con kiến lạc đàn, rối ren và mất định hướng.
Không khí thêm ô nhiễm
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, khí thải của xe máy cao hơn nhiều lần so với ô tô, do là phương tiện bình dân. Việt Nam đang áp dụng các tiêu chuẩn khí thải Euro 3, Euro 4, nên ô tô gây ô nhiễm ít hơn nhiều lần so với xe máy. Thay vì một ống xả xe buýt (với tiêu chuẩn khí thải Euro 4) bảo vệ môi trường bằng năm, sáu mươi ống xả xe máy với nồng độ khí thải CO2  rất cao thì tựu chung không khí không khác gì một nhà máy công nghiệp đang vận hành với công suất cao.
Theo báo cáo của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), hiện tại, lượng bụi PM 2.5 tại Hà Nội lên tới 50,5µg/m3, cao gấp đôi so với ngưỡng quy chuẩn của quốc gia và cao gấp 5 lần so với ngưỡng trung bình của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Nếu như xe buýt “vắng mặt”, ước tính có khoảng 60.000 phương tiện cá nhân tràn ra đường, đồng nghĩa với 60.000 ống xả khí CO2 hoạt động liên tục. Hàng cây xanh cổ thụ trăm năm cũng không thể oằn mình mà thanh lọc không khí được, người dân sẽ phải tranh giành nhau từng “lít khí oxy” để thở, bệnh viện sẽ tiếp nhận thêm hàng nghìn ca bệnh liên quan đến hô hấp. Điều đó đủ để thấy vai trò của xe buýt là cực kỳ to lớn.
Hao tổn chi phí xã hội
Xăng dầu là tài nguyên quốc gia, nên việc tiết kiệm, hạn chế sử dụng xe cá nhân để tiết kiệm xăng dầu không chỉ có lợi cho túi tiền của người sử dụng, mà còn đối với cả đất nước. Mỗi tháng, chỉ cần bỏ ra khoảng 100.000 - 200.000 đồng vé tháng xe buýt là có thể đi tất cả các tuyến xe. Trong khi đó, nếu sử dụng phương tiện cá nhân hàng ngày, số tiền bỏ ra mua xăng dầu một tháng ít nhất cũng khoảng 600.000 đồng (cao gấp 3 lần), chưa kể đến hao mòn phương tiện. Còn đối với xã hội, xăng dầu sẽ được tiết kiệm hơn và sử dụng về lâu dài, phục vụ các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, áp lực cung cấp nhiên liệu cho phương tiện giao thông sẽ giảm rõ rệt.
Với những hệ quả hiện hữu như trên, vai trò của phương tiện giao thông công cộng rất lớn, đặc biệt là xe buýt. Ngoài việc TP có chủ trương hạn chế xe cá nhân, phát triển giao thông công cộng thì mỗi người dân nên có một tầm nhìn bao quát ủng hộ xe buýt, chủ động từ bỏ xe cá nhân. Tình yêu Hà Nội không phải thể hiện ở đâu xa xôi, mà ngay ở việc làm gần gũi hàng ngày của mỗi công dân: Cùng đi bộ ra bến xe buýt. Đừng chỉ trông chờ vào các cơ quan chức năng, mà mỗi người dân hãy cùng bắt tay với chính quyền xây dựng TP hiện đại, văn minh.
Ngày 4/7/2017, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm UTGT và ô nhiễm môi trường trên địa bàn Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030 với tỷ lệ đại biểu tán thành trên 91%, trong đó nhấn mạnh việc cấm xe máy lưu thông tại các quận nội thành trước năm 2030.