Nga chuyển vũ khí hạt nhân chiến thuật cho Belarus, thông điệp gì cho NATO?

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự kiện đánh dấu lần đầu tiên Nga đưa vũ khí hạt nhân ra khỏi biên giới kể từ khi Liên Xô tan rã. 

Ngày 14/6, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko xác nhận, nước này đã bắt đầu nhận vũ khí hạt nhân chiến thuật từ Nga, một số trong đó mạnh gấp ba lần so với những quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống Hiroshima và Nagasaki vào năm 1945.

Chuyên gia Bruno Lete, thành viên cao cấp về an ninh và quốc phòng tại Quỹ Marshall của Mỹ nhận định với DW rằng đây là một phần của xu hướng trong năm qua khi Nga tăng cường các động thái hạt nhân, còn NATO và châu Âu cũng chuẩn bị sẵn sàng.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AP
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AP

Vũ khí hạt nhân chiến thuật là gì?

Vũ khí hạt nhân chiến thuật được sử dụng cho các mục tiêu cụ thể trên chiến trường và có thể thay thế các đầu đạn thông thường trong các hệ thống vũ khí thông thường. Chúng không thể tự kích nổ mà cần một hệ thống phóng như tên lửa Iskander - hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn mà Nga đã sử dụng để phóng các đầu đạn thông thường ở Ukraine và Syria.

"Vũ khí hạt nhân chiến thuật không được thiết kế để tấn công các thành phố. Chúng là những đầu đạn nhỏ hơn và có thể lên tới 100 kiloton tùy thuộc vào mục tiêu,” William Alberque, giám đốc chiến lược, công nghệ và vũ khí bộ phận kiểm soát tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nói với DW.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Nga Rossiya-1, ông Lukashenko cho biết: “Chúng tôi có những tên lửa và bom đã nhận từ Nga,”đồng thời thông tin số bom này “mạnh gấp 3 lần so với loại đã thả xuống Hiroshima và Nagasaki”.

Ông Lukashenko khẳng định với đài truyền hình Nga rằng Belarus có nhiều cơ sở dự trữ hạt nhân vẫn còn từ thời Liên Xô và đã khôi phục 5-6 cơ sở tương tự. Ông phủ nhận ý tưởng rằng việc Nga kiểm soát những vũ khí này cản trở Belarus triển khai chúng một cách nhanh chóng nếu cần thiết. 

Trước đó, ngày 9/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga sẽ bắt đầu đưa vũ khí hạt nhân đến Belarus, sau khi cơ sở lưu trữ đặc biệt sẵn sàng tiếp nhận.

Hồi tháng 3 năm nay, ông Putin cho biết ông đồng ý đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật đến Belarus, và Mỹ cũng đã đưa những vũ khí như vậy đến châu Âu trong mấy thập kỷ qua.

Mỹ chỉ trích quyết định của Nga, nhưng khẳng định sẽ không thay đổi quan điểm của mình về vũ khí hạt nhân chiến thuật, đồng thời cũng không nhìn thấy dấu hiệu nào cho thấy Nga sắp sử dụng vũ khí hạt nhân.

Ý nghĩa đằng sau động thái của Nga

Belarus giáp biên giới với 3 quốc gia thành viên NATO, gồm Lithuania, Latvia và Ba Lan.

Theo chuyên gia Lete của Quỹ Marshall Đức của Mỹ, việc Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus đồng nghĩa là nước này có thể tiến hành một cuộc tấn công vào lãnh thổ NATO nhanh hơn nhiều so với trước đây.

"Thời gian phản ứng để NATO hành động sẽ [ngắn hơn]," ông nói. "Vì vậy, NATO hoặc tiếp tục răn đe hạt nhân, điều mà liên minh đã và đang thực hiện, hoặc NATO có thể tham gia cưỡng chế hạt nhân, trong đó NATO sẽ can dự với Nga để ngăn cản nước này triển khai vũ khí tới Belarus. Nhưng trong tình hình hiện tại, tôi nghĩ NATO sẽ tiếp tục hạt nhân răn đe," chuyên gia này nhận định.

Moscow và Minsk ngày 25/5 ký thỏa thuận về triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus. Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) lên án thỏa thuận, nói động thái khiến căng thẳng khu vực leo thang nguy hiểm. Washington mô tả kế hoạch của Moscow là "khiêu khích, vô trách nhiệm" nhưng cho biết Mỹ chưa có lý do nào để điều chỉnh chính sách hạt nhân của mình.

Trong khi đó, Moscow khẳng định động thái này "không có gì bất thường" và Washington đã làm điều tương tự trong nhiều thập kỷ, đề cập việc Mỹ bố trí nhiều vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ các quốc gia đồng minh tại châu Âu. Nga cũng nhấn mạnh nước này vẫn giữ quyền kiểm soát vũ khí, không giao lại cho Belarus.