Nga đang thắng thế trong cuộc chiến với phương Tây ở châu Phi?

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong cuộc đảo chính hôm 30/9 vừa qua ở Burkina Faso, hình ảnh một số người biểu tình đốt cờ Pháp trong khi số khác vẫy cờ Nga được xem là minh chứng cho một cuộc chiến giữa Moscow - phương Tây đang diễn ra mạnh mẽ trên khắp lục địa châu Phi.

Những người biểu tình tại Burkina Faso vẫy cờ Nga, ngày 4/10/2022. Ảnh: AP
Những người biểu tình tại Burkina Faso vẫy cờ Nga, ngày 4/10/2022. Ảnh: AP

Một vài năm trước, Pháp và Nga thường không phải nhân vật chính trong cuộc thảo luận về sự thay đổi địa chính trị ở châu Phi - chủ yếu tập trung vào vai trò kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc và các quan hệ đối tác chính trị trên lục địa châu Phi.

Chẳng hạn, quyết định của Bắc Kinh về việc thành lập căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên ở Djibouti vào năm 2017 báo hiệu bước đi địa chính trị lớn của Trung Quốc, bằng cách chuyển ảnh hưởng kinh tế của nước này trong khu vực sang ảnh hưởng chính trị, được hỗ trợ bởi sự hiện diện quân sự.

Trung Quốc vẫn cam kết với chiến lược châu Phi của mình. Bắc Kinh đã là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi trong 12 năm liên tiếp, với tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và châu Phi đạt 254,3 tỷ USD vào năm 2021 - theo số liệu mới nhất do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố.

Mỹ, cùng với các đồng minh phương Tây, đã nhận thức được và cảnh báo về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở châu Phi. Việc thành lập Bộ Tư lệnh châu Phi (AFRICOM) của Mỹ vào năm 2007 được xem là một biện pháp chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc. Kể từ đó, các cuộc thảo luận về việc giành ảnh hưởng ở châu Phi đã mở rộng hơn, với những "người chơi" mới, bao gồm Trung Quốc, Nga, thậm chí cả Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, cuộc xung đột Nga - Ukraine được cho đã ít nhiều làm thay đổi các động lực địa chính trị ở châu Phi, khi nó làm nổi bật sự cạnh tranh Nga - Pháp trên lục địa này, trái ngược với sự cạnh tranh Mỹ - Trung ở đó.

Mặc dù Nga đã hiện diện trên chính trường châu Phi trong nhiều năm, nhưng "cuộc tấn công quyến rũ" của Moscow đã được đẩy mạnh trong thời gian gần đây. Vào tháng 7 năm nay, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã đến thăm Ai Cập, Ethiopia, Uganda và Cộng hòa Congo, nhằm củng cố mối quan hệ ngoại giao của Nga với các nhà lãnh đạo châu Phi.

Ông Lavrov đã tuyên bố: "Chúng tôi hiểu rằng các đối tác châu Phi không tán thành những nỗ lực của Mỹ và các vệ tinh châu Âu của họ... nhằm áp đặt một trật tự thế giới đơn cực cho cộng đồng quốc tế".

Những nỗ lực của Nga dường như đã mang lại hiệu quả, được thể hiện ngay từ những cuộc bỏ phiếu đầu tiên nhằm lên án Moscow tại Đại hội đồng Liên Hợp quốc (LHQ), vào tháng 3 và tháng 4/2022. Nhiều quốc gia châu Phi đã giữ thái độ trung lập hoặc bỏ phiếu chống lại các biện pháp nhắm vào Nga tại LHQ.

Đặc biệt là Nam Phi - quốc gia có vị thế quan trọng theo quan điểm của Washington, không chỉ vì quy mô nền kinh tế của đất nước mà còn vì ảnh hưởng chính trị của Pretoria trên khắp châu Phi. Hơn nữa, Nam Phi là thành viên châu Phi duy nhất trong G20.

Trong chuyến thăm Mỹ vào tháng 9 vừa qua, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã nhấn mạnh tính trung lập của đất nước mình và đưa ra phản đối một dự thảo luật của Mỹ - Đạo luật Chống các hoạt động độc hại của Nga ở châu Phi - được thiết lập để giám sát và trừng phạt các chính phủ châu Phi không tuân thủ. Rõ ràng, Pretoria từ chối đứng về chiến tuyến của Mỹ trong cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Sự chuyển hướng chậm chạp nhưng có phần kiên quyết của châu Phi đối với Moscow không phải là ngẫu nhiên. Lịch sử đấu tranh, trong cả quá khứ và hiện tại, của lục địa này nhằm chống lại chủ nghĩa thực dân phương Tây và chủ nghĩa thực dân mới vẫn còn đó.

Trong khi đó, Nga liên tục nhắc nhở cho các nước châu Phi về di sản của Liên Xô cũ trên lục địa này. Điều này không chỉ được thể hiện rõ ràng trong các bài phát biểu chính trị chính thức của các nhà lãnh đạo và nhà ngoại giao Nga, mà còn được đẩy mạnh trong việc đưa tin trên các phương tiện truyền thông Nga vốn ưu tiên châu Phi.

Tuy nhiên, việc đốt cờ Pháp và nâng cờ Nga ở Burkina Faso lúc này không hẳn là bởi chính sách ngoại giao khôn khéo hoặc ảnh hưởng quân sự ngày càng tăng của Moscow. Động thái ngả về Nga của các quốc gia châu Phi - Mali, Cộng hòa Trung Phi... được cho liên quan nhiều đến sự ngờ vực và bất bình đối với chính sách của Pháp ở châu Phi, đặc biệt là Tây Phi.

Pháp có các căn cứ quân sự ở nhiều khu vực của châu Phi, và vẫn là một bên tham gia tích cực vào các cuộc xung đột quân sự khác nhau. Điều này khiến nước này bị gắn mác là "lực lượng gây bất ổn" chính của lục địa này. Hơn hết là việc Paris đến nay vẫn buộc nền kinh tế của 14 quốc gia châu Phi phải sử dụng đồng franc của Pháp. Điều này, theo Frederic Ange Toure viết trên tờ Le Journal de l'Afrique, là nhằm "tập trung 50% dự trữ của các nước vào ngân khố cộng đồng của Pháp".

Mặc dù nhiều quốc gia châu Phi đến nay vẫn giữ thái độ trung lập trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, một sự thay đổi rõ ràng về địa chính trị đang diễn ra, đặc biệt là ở các quốc gia mong manh về quân sự, nghèo khó và bất ổn về chính trị đang mong muốn tìm kiếm các giải pháp thay thế cho Pháp và các cường quốc phương Tây khác.