Nga được lợi

Bắc Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ Đức không phải là duy nhất trong nhóm G7 phản bác chủ định của Tổng thống Mỹ Donald Trump mời Nga trở lại khuôn khổ diễn đàn này nói chung và mời Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự hội nghị cấp cao thường niên năm nay của nhóm nói riêng. Mỹ hiện là chủ tịch luân phiên đương nhiệm của khuôn khổ diễn đàn đa phương quốc tế này.

Ban đầu, nhóm này không có sự tham gia của Nga mà G7 trở thành G7+Nga, hay còn gọi là G8, kể từ năm 1998. Nhưng rồi các nước thành viên của G7 cũ đã loại Nga ra khỏi khuôn khổ diễn đàn sau khi Nga tiếp nhận Crimea năm 2014. Đi cùng với việc cô lập Nga về chính trị, đến nay Mỹ và EU vẫn áp dụng những biện pháp chính sách trừng phạt Nga về kinh tế, thương mại, tài chính và đầu tư. Các nước này duy trì điều kiện tiên quyết cho việc Nga tham gia trở lại nhóm là Nga phải bàn giao Crimea cho Ucraine và chấm dứt hoàn toàn việc hậu thuẫn phe phái ly khai nổi dậy chống chính phủ ở Ucraine.

Chủ ý nói trên của ông Trump khiến cho nội bộ giữa các thành viên của G7 bị phân rẽ sâu sắc trong chính sách của nhóm đối với Nga giữa Mỹ và một số thành viên. Cái khó đối với những thành viên này là vừa phải níu kéo Mỹ tiếp tục tham gia nhóm G7 bởi ông Trump không mặn mà với nhóm G7 như những người tiền nhiệm lại phải vừa ngăn cản ông Trump trên cương vị hiện tại là chủ tịch luân phiên cuả nhóm thúc đẩy việc mời Nga tham gia trở lại nhóm và mời ông Putin tham dự hội nghị cấp cao thường niên năm nay của nhóm.

Ông Putin đã từng tuyên bố việc tham gia trở lại nhóm này hiện không phải là chuyện cấp thiết và được ưu tiên đối với Nga. Dù vậy, Nga vẫn là kẻ bên ngoài được lợi nhiều nhất từ thực trạng hiện tại của nhóm G7. Nếu ông Trump thành công với chủ ý nói trên thì Nga có thể hiên ngang trở lại nhóm. Còn nếu ông Trump chưa thành công thì sự phân rẽ sâu sắc trong nội bộ nhóm G7 chẳng phải cũng có lợi rất nhiều cho Nga hay sao?