Nga: Lệnh trừng phạt của Mỹ với các viện nghiên cứu là cạnh tranh không lành mạnh

Nguyễn Phương (Theo Tass)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Ngoại giao Nga lên án lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các viện nghiên cứu của Moscow, cho rằng đây có thể xem là một công cụ cạnh tranh không lành mạnh.

Ngày 28/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova, cho biết Moscow kịch liệt phản đối việc chính quyền Washington đã thẳng tay trừng phạt những nhà nghiên cứu và chuyên gia người Nga đang nghiên cứu phát triển vaccine ngừa Covid-19.
  Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova.
“Chúng tôi phẫn nộ khi ba viện nghiên cứu khoa học của Nga đã được đưa vào danh sách đen trừng phạt của Mỹ. Điều đặc biệt đáng lo ngại là các biện pháp trừng phạt này ảnh hưởng trực tiếp đến những nhà khoa học và chuyên gia trong vài tháng qua đã nỗ lực không mệt mỏi để phát triển vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên của Nga” - bà Maria Zakharova tuyên bố
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, không rõ Washington có kế hoạch giải thích như thế nào cho các công dân của mình về “nỗ lực” trừng phạt những người đang làm việc và thành công đối với thuốc chữa căn bệnh đã giết chết hơn 180.000 người Mỹ.
Bà Zakharova không tin đây là bước đi đúng đắn để hợp tác trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, mà tầm quan trọng của nó là không thể tranh cãi ngay cả ở Washington.
Nhà ngoại giao Nga cho rằng những lệnh trừng phạt này của Mỹ có thể là một công cụ cạnh tranh không lành mạnh. "Chúng tôi không tin rằng đây là một bước đi đúng hướng trong việc hợp tác chống đại dịch Covid-19, mà tầm quan trọng của nó là không thể phủ nhận ngay cả ở Washington. Một lần nữa chúng tôi cho rằng việc áp đặt trừng phạt này là một công cụ gây áp lực để thúc đẩy lợi ích của các công ty Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực dược phẩm", người phát ngôn Zakharova nhấn mạnh.
Bà Zakharova chỉ ra rằng Washington đã không đưa ra được bằng chứng nào về những cáo buộc của mình, trong khi Nga đã ngừng phát triển vũ khí hóa học và sinh học từ năm 1992 và hoàn tất việc tiêu hủy toàn bộ kho vũ khí hóa sinh vào năm 2017.
Nhà ngoại giao Nga lưu ý thêm Mỹ vẫn là bên duy nhất của Công ước về cấm Vũ khí Hóa học (CWC), mà như trước đây vẫn sở hữu nó và cấp bằng sáng chế cho nhiều phát minh liên quan đến việc sử dụng các chất độc chiến tranh hóa học, bao gồm cả chất độc thần kinh.
Trước đó, hôm 26/8, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa khoảng 60 viện nghiên cứu trên thế giới vào danh sách đen, trong đó có 3 viện nghiên cứu của Nga. Một trong số đó là Viện Nghiên cứu Trung ương 48 của Bộ Quốc phòng Nga, cùng với Trung tâm nghiên cứu Gamalei, đã tạo ra và thử nghiệm vaccine Sputnik-V. Mỹ cáo buộc các viện này tham gia phát triển vũ khí hóa học và sinh học./.