Nga ra khỏi Hiệp ước về bầu trời mở: Bỏ mà không mất

Bắc Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vài ngày trước thời điểm diễn ra cuộc gặp đầu tiên giữa tổng thống Mỹ Joe Biden và tổng thống Nga Vladimir Putin tại Thuỵ Sỹ, phía Nga hoàn tất mọi thủ tục pháp lý quốc gia cần thiết để chính thức ra khỏi Hiệp ước về bầu trời mở.

 Ảnh minh họa
Trước đấy, phía Mỹ đã làm việc này và chính vì Mỹ đi bước trước như thế nên phía Nga buộc phải đi bước tiếp theo. Sau khi Mỹ và Nga không còn tham gia nữa, hiệp ước này còn 32 thành viên, tức là trên danh nghĩa vẫn tồn tại và có hiệu lực, nhưng trên thực tế gần như không còn ý nghĩa gì nữa. Hiệp ước này được coi là có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc gây dựng, củng cố và tăng cường sự tin cậy lẫn nhau giữa Nga và các nước Phương Tây, đặc biệt giữa Nga với Mỹ và các thành viên NATO ở châu Âu. Từ nay, giữa Nga và Mỹ chỉ còn hiệp ước New Start về giải trừ vũ khí hạt nhân là thỏa thuận duy nhất về giải trừ quân bị.
Khi xưa, hiệp ước này được hai phe đặc biệt coi trọng vì nhờ đấy có thể giám sát lẫn nhau về quân sự. Nhưng ở thời nay, Mỹ và Nga có thể sử dụng vệ tinh và nhiều thiết bị công nghệ cao khác để làm việc theo dõi, do thám và kiểm soát lẫn nhau về quân sự hiệu quả hơn rất nhiều. Cho nên Mỹ và Nga sau khi từ bỏ hiệp ước này thật ra không bị mất mát gì về tình báo quân sự. Nhưng các đồng minh quân sự của Mỹ, đặc biệt ở châu Âu, sẽ không còn có thể tận dụng hiệp ước này để theo dõi và giám sát Nga về quân sự.

Với việc từ bỏ hiệp ước này, Mỹ và Nga đều thu về cái lợi trên phương diện khác. Các đồng minh của Mỹ ở trong cũng như ngoài NATO từ nay lệ thuộc vào Mỹ nhiều hơn trong chia sẻ và cung cấp thông tin tình báo quân sự về Nga, trong khi Nga vừa có thể phân hóa mạnh mẽ hơn Mỹ và các đồng minh cũng như có thể tuỳ hứng chơi cuộc chơi mới về tù mù thông tin tình báo với các nước thành viên NATO ở châu Âu.