Nga-Ukraine sẽ quay lại bàn đàm phán nếu ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -  Các cố vấn của ông Donald Trump đã thảo luận về khả năng xúc tiến cuộc đàm phán giữa hai bên nếu cựu Tổng thống tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 2.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tham dự cuộc mít tinh ở North Charleston, Nam Carolina, ngày 14/2/2024. Ảnh: Getty.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tham dự cuộc mít tinh ở North Charleston, Nam Carolina, ngày 14/2/2024. Ảnh: Getty.

Bloomberg ngày 15/2 đưa tin, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đang lên kế hoạch gây áp lực buộc Ukraine quay lại các cuộc đàm phán hòa bình với Nga nếu ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào cuối năm nay.

Ông Trump đang có khả năng cao trở thành ứng cử viên của đảng Cộng hòa, trong khi Tổng thống đương nhiệm Joe Biden nhiều khả năng sẽ đại diện cho đảng Dân chủ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng tháng 11 tới.

Theo tờ Bloomberg, một trong những cố vấn của ông Trump cho rằng, việc tuyên bố chấm dứt viện trợ quân sự của Mỹ có thể đẩy Ukraine đến bàn đàm phán, trong khi lời đe dọa tiếp tục viện trợ cho Kiev có thể khuyến khích Nga làm điều tương tự.

Hiện tại các cố vấn của ông Trump chưa tiến hành đàm phán với đại diện của Nga hoặc Ukraine, một phần vì điều đó có thể vi phạm đạo luật của Mỹ cấm các cá nhân đàm phán thay mặt chính phủ.

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine sắp bước sang năm thứ ba, song hiện chưa có triển vọng nối lại đàm phán hòa bình giữa 2 bên. Trong khi đó, cả Moscow lẫn Kiev đều đang tiến hành các bước để chuẩn bị cho một cuộc xung đột kéo dài, đồng thời không có ý định nhượng bộ.

Giới chức Nga nhiều lần khẳng định Moscow sẵn sàng nối lại đàm phán hòa bình với Kiev, nhưng lưu ý rằng bất kỳ cuộc đối thoại nào trong tương lai chỉ được thực hiện sau khi ông Zelensky hủy bỏ sắc lệnh cấm đàm phán với nhà lãnh đạo hiện tại của Nga. Tổng thống Ukraine ban hành lệnh cấm đối thoại với Nga vào mùa Thu năm ngoái sau khi 4 vùng lãnh thổ cũ của Kiev, gồm Zaporozhye, Kherson, Donetsk và Lugansk bỏ phiếu áp đảo đồng ý sáp nhập vào Nga.

Trước đó, hôm 11/2, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng tuyên bố chính quyền Ukraine phải chấp nhận các điều kiện mới cho dù điều đó có "đau đớn" đến mức nào đối với họ.

Ông Peskov cho biết, nếu Moscow và Kiev thực sự quay trở lại bàn đàm phán, khi đó các cuộc thảo luận sẽ không giống như những cuộc đàm phán được tổ chức từ thời kỳ đầu cuộc xung đột cách đây gần 2 năm.

Tuy nhiên, Kiev sẽ không tán thành những cuộc đàm phán như vậy. Ukraine  đã nhiều lần tuyên bố sẽ không đàm phán cho đến khi Nga rút khỏi các vùng lãnh thổ cũ của nước này mà Moscow đang kiểm soát, bao gồm cả bán đảo Crimea vốn được sáp nhập vào Nga từ năm 2014.

Trong khi đó, nhà báo Mỹ Tucker Carlson hôm 12/12 cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẵn sàng tiến hành các biện pháp ngoại giao để chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine.

Người đứng đầu Điện Kremlin đang thực hiện công việc ngoại giao giống như những người khác, nhưng "lập trường của ông ấy đang trở nên cứng rắn hơn", theo nhà báo Mỹ.

Trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Tucker Carlson đầu tuần trước, Tổng thống Putin nói rằng Nga luôn ủng hộ giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine, điều quan trọng là Kiev và các đối tác phương Tây có chấp nhận hay không.

Trong một diễn biến liên quan, trả lời phỏng vấn nhà báo Pavel Zarubin hôm  14/2, Tổng thống Putin tuyên bố, Nga đáng lẽ phải bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine sớm hơn, nhưng họ đã cố gắng giải quyết xung đột một cách hòa bình trong thời gian dài và tin vào sự trung thực của các đối thủ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Tass
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Tass

Theo Điện Kremlin, trong bài trả lời phỏng vấn trên, Tổng thống Putin cho hay, vào giai đoạn đầu, Nga đã cố gắng giải quyết cuộc xung đột ở Donbass, gồm nước Cộng hòa nhân dân Donetsk và Luhansk, "bằng các biện pháp hòa bình, cụ thể là Hiệp định Minsk".