Ngăn chặn ô nhiễm môi trường từ rác thực phẩm: Kiểm soát ngay từ nguồn

Hà Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao, chế biến thực phẩm trở thành một trong những ngành công nghiệp vô cùng phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất và sau khi sử dụng, rác thực phẩm nếu không được phân loại, xử lý đúng cách sẽ gây ô nhiễm môi trường, lãng phí nguồn tài nguyên.

Nguy cơ ô nhiễm
Đặc trưng chất thải của các cơ sở chế biến nông sản thực thẩm là chất hữu cơ bốc mùi, gây nhiễm mạnh, gây đủ tác hại đến sức khỏe con người. Những sản phẩm lương thực được người dân sau khi sử dụng đa phần không được thu gom, xử lý đúng cách đã tạo nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường. Ngay trên nhiều tuyến phố tại Hà Nội không khó bắt gặp cảnh người bán hàng trong cửa hàng kinh doanh ăn uống đổ thực phẩm thừa vào các thùng có nắp, còn nước thải vô tư đổ xuống cống.

Nếu ở khu vực ngoại thành, rác thực phẩm được người dân tận dụng làm phụ phẩm nông nghiệp hoặc thức ăn trong chăn nuôi thì ở nội thành, các hộ gia đình đều gom chung với rác sinh hoạt.
 Thu gom rác thải trên phố Tràng Thi, Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
Bà Nguyễn Thanh Nhàn (phường Lĩnh Nam, Hoàng Mai) chia sẻ: “Khu nhà tôi không có mấy người đi gom thức ăn thừa về làm thức ăn cho vật nuôi ăn nên không có cách nào khác là phải đợi công nhân vệ sinh môi trường đến thu gom”. Vì thế, tại nhiều khu vực, các loại rác không được phân loại mà thu gom chung. Cơm, thịt, vỏ trứng… trong các túi đựng rác bắn tung tóe, ướt nhẹp, bốc mùi khó chịu. Theo một công nhân vệ sinh tại quận Hai Bà Trưng, rác thải hữu cơ như thực phẩm dư thừa được cho là nguyên nhân chủ yếu gây ra mùi khó chịu, hôi thối tại các bãi rác, có hại cho sức khỏe.

Theo GS.TS Đặng Kim Chi – Chủ tịch Hội đồng khoa học và Kỹ thuật, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, rác thải thực phẩm là một vấn đề của toàn cầu, một trong những nguyên nhân gây nên ô nhiễm môi trường sống hiện nay. Khí metan từ rác thải thực phẩm tạo ra 3,3 tỷ tấn khí nhà kính mỗi năm và chiếm khoảng 7% tổng lượng khí thải. Việc xử lý chất thải nói chung không đúng cách còn gây ô nhiễm đất và nguồn nước. “Nếu không kiểm soát tốt cũng như không có biện pháp xử lý phù hợp, khoa học ngay từ trong quá trình sản xuất và sau khi sử dụng, hệ quả từ rác thải thực phẩm không hề nhỏ” – GS. TS Đặng Kim Chi nhận định.

Tận dụng như một nguồn tài nguyên

Trước tình trạng ô nhiễm nhưng khó quản lý của rác thực phẩm, GS.TS Đặng Kim Chi cho rằng, thứ nhất, cần có biện pháp căn cơ, khoa học, phù hợp thực tiễn. Trước hết phải kiểm soát ngay từ nguồn sản xuất, ngăn chặn những chất độc hại có trong sản phẩm từ nguồn phát sinh ra chất thải. Khi giải pháp này được kiểm soát tốt, chất thải thực phẩm sẽ được tái sử dụng, tái chế thành thức ăn chăn nuôi, phân bón vi sinh…
Cùng với đó, biện pháp thứ hai phải kiểm soát gắt gao các nguồn chất thải thực phẩm. Biện pháp thứ ba, đòi hỏi sự đóng góp của khoa học, khi chất thải thực phẩm đã bị nhiễm độc và cần xử lý thì phải tìm giải pháp tách hoặc vô hiệu hóa độc chất đi theo chất thải thực phẩm trước khi đưa nó tái chế thành thức ăn chăn nuôi, phân bón hữu cơ…

Bên cạnh việc kiểm soát ngay từ nguồn sản xuất, theo Phó Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng Trần Thị Hương, cần tận dụng rác thải thực phẩm như một nguồn tài nguyên. Đây là xu hướng chung của cả thế giới để vận hành một nền kinh tế tuần hoàn có triệt để hạn chế các tác động ô nhiễm môi trường, tận dụng phế phẩm thành nguyên liệu.
“Việc tận dụng hiệu quả các phế phụ phẩm trong chế biến thực phẩm như trấu, cám, mật rỉ, bã mía, nội tạng, mỡ cá, sinh khối nhầy, vỏ giáp xác... bằng áp dụng khoa học công nghệ và tiến bộ kỹ thuật vào khâu tái sản xuất cũng như đầu tư, xử lý chất thải; thực hiện sản xuất sạch, tiết kiệm năng lượng chính là gia tăng giá trị thặng dư bằng tận thu tái tạo tài nguyên, đồng thời góp phần quan trọng bảo vệ môi trường” - bà Trần Thị Hương nhìn nhận.

Luật Tái chế thực phẩm sửa đổi năm 2015 của Nhật Bản yêu cầu trách nhiệm tái chế đến 95% đối với cơ sở chế biến thực phẩm, 70% đối với DN kinh doanh thực phẩm, 55% đối với cửa hàng bán lẻ thực phẩm và 50% đối với quán ăn. Hành vi cố tình vứt bỏ thực phẩm số lượng lớn, gây ô nhiễm môi trường có thể bị áp dụng hình phạt hết sức nghiêm khắc.