Ngăn chặn "quái xế" tuổi vị thành niên từ gốc

Phạm Công - Ngọc Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội yêu cầu lực lượng chức năng rà soát không gian mạng, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp cổ xúy cho vi phạm, đua xe, lạng lách, đánh võng. Đây là biện pháp nhằm kịp thời xử lý tận gốc tình trạng tụ tập đua xe, náo loạn đường phố của thanh thiếu niên.

Xuất hiện tràn lan trên mạng

Những năm gần đây, sự bùng nổ và phát triển mạnh mẽ của internet, mạng xã hội đã gây ra nhiều tác động không nhỏ, ảnh hưởng tới tư duy, nhận thức của học sinh, nhóm đối tượng dễ bị dụ dỗ, lôi kéo.

Chỉ cần gõ trên mạng xã hội cụm từ “bốc đầu xe”, “đua xe” sẽ ra một loạt hội nhóm với rất nhiều clip bốc đầu xe, thậm chí dạy cách điều khiển xe lạng lách, đánh võng,... bất chấp nguy hiểm, miễn sao càng “chấn động” càng nhiều tương tác.

Tình trạng thanh thiếu niên tụ tập, đua xe diễn ra ngày một phức tạp.
Tình trạng thanh thiếu niên tụ tập, đua xe diễn ra ngày một phức tạp.

Các hội nhóm này thường xuyên chia sẻ clip nẹt pô, rú ga, mang theo vũ khí khi tham gia giao thông, không đội mũ bảo hiểm, không gắn biển kiểm soát,... gây mất an ninh trật tự. Các đối tượng đăng lên mạng xã hội như một “chiến tích” đáng tự hào để câu like, câu view.

Thậm chí có những video còn hướng dẫn giới trẻ vừa điều khiển vừa nằm trên xe, nhận được rất nhiều tương tác, ủng hộ. Đáng chú ý, những hội nhóm này còn là nơi để thông báo, hẹn nhau tổ chức các cuộc đua xe trái phép hay thách thức nhau.

Không dừng lại ở đó, nhiều đối tượng còn có hành vi điều khiển xe máy đi với tốc độ cao, kẹp ba, lạng lách, đánh võng,... để khiêu khích, thách thức lực lượng chức năng truy đuổi. Đồng thời còn quay video, kích động, gây rối trật tự công cộng trên các tuyến đường có lực lượng CSGT tuần tra, kiểm soát.

Nhiều trường hợp khi bị lực lượng chức năng truy đuổi đã đâm trúng người, gây ra những tai nạn nghiêm trọng, thương tâm. Những hành vi này gây ra nhiều bức xúc trong dư luận.

Những hội nhóm này thu hút hàng chục nghìn đến hàng trăm nghìn thành viên tham gia, hoạt động dưới hình thức công khai hoặc nhóm kín. Trong đó, đa phần người tham gia mới chỉ ở tuổi vị thành niên, không phân biệt nam hay nữ…

Các hội nhóm đua xe dễ dàng được tìm thấy trên mạng xã hội.
Các hội nhóm đua xe dễ dàng được tìm thấy trên mạng xã hội.

Đáng nói, clip được những “quái xế” tung lên mạng xã hội lại nhận được sự hưởng ứng của không ít  bạn trẻ. Nhiều người còn tỏ ra ngưỡng mộ và cho rằng đó là những hành động thể hiện sự bản lĩnh. Nhận thức lệch lạc của phần lớn thành viên trong các hội nhóm “đua xe”, “bốc đầu" là hồi chuông báo động đối với gia đình, nhà trường và xã hội.

Chị Lê Thị Thu (trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Tôi cho các con dùng điện thoại, máy tính để liên hệ với gia đình, học tập. Nhưng không phải lúc nào cũng kiểm soát các con được 24/24 giờ. Trong khi đó mạng xã hội là con dao hai lưỡi, các con rất dễ vào những hội nhóm rồi a dua, học theo thói xấu nguy hiểm”.

Cùng chung nỗi lo, anh Nguyễn Hải Triều (trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: “Ở độ tuổi vị thành niên này, các cháu rất nhạy cảm, dễ bị sa ngã, lệch lạc suy nghĩ và làm theo các hành động nguy hiểm trên mạng xã hội. Khi thấy các hội nhóm dụ dỗ, lôi kéo tham gia lạng lách, đánh võng, bốc đầu xe khiến tôi rất lo lắng khi giao xe cho con mình đi học”.

Kiểm soát chặt không gian mạng

Nắm bắt được tình trạng trên, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch về tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho học sinh trong tình hình mới trên địa bàn TP Hà Nội.

Trong đó, TP Hà Nội đặc biệt yêu cầu lực lượng chức năng thường xuyên rà soát không gian mạng, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm liên quan đến cổ xúy cho vi phạm, đua xe, lạng lách, đánh võng và những hành vi khác ảnh hưởng tiêu cực đến thanh, thiếu niên.

Bên cạnh việc xử lý trực tiếp trên đường, cũng cần có biện pháp mạnh ngăn chặn từ sớm.
Bên cạnh việc xử lý trực tiếp trên đường, cũng cần có biện pháp mạnh ngăn chặn từ sớm.

Đây là biện pháp quyết liệt nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, lãnh đạo các đơn vị phát huy sức mạnh tổng hợp của cơ quan, đơn vị về công tác giáo dục an toàn giao thông cho học sinh trên địa bàn TP Hà Nội.

Liên quan đến vấn đề này, TS xã hội học Nguyễn Văn Dương cho rằng: “Đối với lứa tuổi học sinh, bên cạnh thông tin tốt thì mạng xã hội cũng có không ít tin xấu. Đặc biệt, các hội nhóm dụ dỗ, lôi kéo tham gia lái xe lạng lách, đánh võng hay bốc đầu xe là hành vi nguy hiểm đe dọa đến sự an toàn không chỉ người lái mà còn nguy hiểm đến những phương tiện lưu thông trên đường, an ninh trật tự xã hội khiến tôi càng thêm lo lắng. Ở độ tuổi này, tính cách thích thể hiện khẳng định bản thân nếu các em nhỏ không được quản lý cẩn thận sẽ rất dễ va vào các tệ nạn”.

 

Hành vi bốc đầu, lạng lách, đua xe trái phép và quay video dạy bốc đầu, cổ vũ đua xe trái phép gây nguy hiểm cho xã hội, đã có nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra làm ảnh hưởng đến tính mạng của người tham gia giao thông. Đặc biệt, hành vi này còn gây hệ lụy kéo dài, ảnh hưởng đến tư duy, nhận thức của giới trẻ - TS xã hội học Nguyễn Văn Dương

Theo TS Nguyễn Văn Dương, trước hết, các gia đình cần quản lý con em mình chặt chẽ hơn. Đặc biệt, không giao phương tiện cho con em sử dụng khi chưa đủ tuổi.

“Phải có biện pháp quản lý các em khi sử dụng mạng xã hội, tránh tiếp cận những trang có nội dung khiêu khích, rủ rê tụ tập, đua xe, bốc đầu. Cần trang bị cho trẻ em nhận thức về các nguy cơ, rủi ro trên môi trường mạng, kỹ năng tự bảo vệ mình và tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp các vấn đề trong quá trình tương tác trên không gian mạng” – TS xã hội học Nguyễn Văn Dương chia sẻ thêm.

Về phía lực lượng chức năng cũng cần có sự vào cuộc quyết liệt kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi xúi giục, rủ rê hay khiêu khích trên môi trường mạng xã hội. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát các đối tượng tụ tập, đua xe trái phép trên đường phố, bàn giao cho nhà trường, phụ huynh để tuyên truyền, giáo dục và xử lý nghiêm những đối tượng đủ điều kiện.