Ngăn chặn tài xế sử dụng ma túy: Cần bền bỉ, kiên trì

Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ trong nửa tháng ra quân, CSGT phát hiện 142 tài xế sử dụng ma túy trên trên tuyến quốc lộ 20 và quốc lộ 1A. Do vậy, cần có những giải pháp đồng bộ, mạnh tay hơn nữa để ngăn chặn tình trạng tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông này.

Nhiều tài xế sử dụng ma túy

Ngày 14/11, Bộ Công an ban hành kế hoạch "cao điểm" tuần tra, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông trên tuyến quốc lộ 20 và quốc lộ 1A (đoạn qua Lâm Đồng, Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh).

Kế hoạch được thực hiện từ ngày 15 - 30/11. Sau một tháng triển khai kế hoạch này, tình hình trật tự, an toàn giao thông trên tuyến quốc lộ 20 và quốc lộ 1A đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Theo thống kê của Cục CSGT, kết thúc kế hoạch, lực lượng chức năng đã xử lý 1.211 tài xế vi phạm nồng độ cồn, 142 tài xế sử dụng ma túy…

Quá trình thực hiện kế hoạch, lực lượng chức năng còn phát hiện tài xế tàng trữ ma túy.
Quá trình thực hiện kế hoạch, lực lượng chức năng còn phát hiện tài xế tàng trữ ma túy.

Đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, để thực hiện kế hoạch, đơn vị đã trực tiếp kiểm tra, đôn đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh. Công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm thực hiện 24/24h.

Lực lượng công an cũng sử dụng phương thức công khai kết hợp hóa trang; tuần tra kiểm soát cơ động kết hợp dừng kiểm soát tại 1 điểm để tài xế vi phạm không thể né tránh. Các loại phương tiện mà CSGT tập trung xử lý là ô tô chở khách, ô tô chở hàng hóa.

Theo Cục CSGT, điểm nổi bật trong kế hoạch này là Bộ Công an đã điều tiết được liên tuyến, có sự kết nối giữa công an các địa phương với nhau và giữa những người thực thi nhiệm vụ trên tuyến, với công an cơ sở cấp phường, xã để xử lý hiệu quả các hành vi vi phạm như nồng độ cồn, ma túy, tốc độ... 

 

Trong thời gian ngắn, lực lượng chức năng phát hiện nhiều tài xế sử dụng ma túy khi điều khiển phương tiện, đây là cảnh báo rõ ràng nhất về nguy cơ mất an toàn giao thông. Đặc biệt, với các tài xế điều khiển xe khách khi đi quãng đường dài, chở theo nhiều người, nếu tài xế sử dụng ma túy, nguy cơ mất an toàn càng cao – đại diện Cục CSGT.

Thạc sĩ xã hội học Nguyễn Đức cảnh cho rằng, đây là con số đáng báo động với tình trạng tài xế sử dụng ma túy khi lái xe. Trước thực tế này, đòi hỏi một cuộc tổng kiểm tra trên toàn quốc.

“Những tài xế sử dụng ma túy hầu hết là lái xe đường dài, điều khiển phương tiện cỡ lớn. Khi ma túy sau tay lái, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn nghiêm trọng. Do đó cần có những cuộc tổng kiểm tra thường xuyên, liên tục để kịp thời ngăn chặn hành vi sử dụng ma túy khi lái xe” -  thạc sĩ xã hội học – Nguyễn Đức cảnh chia sẻ.

Cần mở nhiều chiến dịch tổng kiểm tra, xử lý

Trong những năm, qua thực trạng lái xe sử dụng ma túy vẫn tồn tại dai dẳng. Nhiều vụ tai nạn thảm khốc đã diễn ra bắt nguồn từ nguyên nhân lái xe “phê” ma túy nên không làm chủ được tay lái. Trên thực tế, có không ít trường hợp tài xế, nhất là lái xe đường dài sử dụng chất ma túy, coi đó như thuốc “an thần” để giữ tỉnh táo.

Theo nghiên cứu, mỗi loại ma túy khác nhau tác động đến não bộ và gây rối loạn hành vi, nhận thức khác nhau. Tuy nhiên, đều gây nguy hiểm cho người sử dụng và những người xung quanh. Sự nguy hiểm sẽ tăng lên gấp nhiều lần khi tài xế sử dụng ma túy khi lái xe. Thực tế cho thấy, số lượng không nhỏ bệnh nhân đến trung tâm cai nghiện từng làm nghề lái xe.

Theo bác sĩ Đỗ Trọng – nguyên Giám đốc Trung tâm cai nghiện ma túy số 5 (Hà Nội), có không ít bệnh nhân vào trung tâm cai nghiện làm nghề lái xe lâu năm. Những người này, chủ yếu sử dụng ma túy đá. Nhóm ma túy này, tác động đến tâm thần, hay thần kinh trung ương. Gây hoang tưởng, ảo giác, làm cho người dùng phấn khích, luôn say mê với ảo giác và dẫn đến không làm chủ được hành vi.

Bên cạnh đó, lái xe còn sử dụng cần sa, cỏ Mỹ. Loại ma túy này, làm cho người sử dụng hay người lái xe rối loạn quá trình nhận thức, mất định tầm, định hướng, mất định vị bản thân, trí nhớ lẫn lộn và dẫn đến các tai nạn bất ngờ mà không lường trước được. Lái xe cũng sử dụng nhóm thuốc phiện, heroin sẽ buồn ngủ, mệt mỏi điều khiển phương tiện không chính xác.

“Tài xế nghiện ma túy có thể gây nguy hiểm cho người khác khi rơi vào hai trạng thái đói thuốc hoặc phê thuốc. Nếu đói thuốc, lái xe sẽ mệt mỏi, ngáp liên tục, chảy nước mắt, thiếu quan sát và xử lý tình huống chậm. Còn khi phê thuốc, lái xe sẽ hưng phấn quá độ, dễ mất kiểm soát về thần kinh và thường có xu hướng phóng nhanh, vượt ẩu, gây tai nạn giao thông” – bác sĩ Đỗ Trọng chia sẻ.

Để có thể giảm thiểu tình trạng lái xe sử dụng ma túy khi điều khiển phương tiện, bác sĩ Đỗ Trọng cho rằng cần có sự vào cuộc quyết liệt, kiên trì từ phía lực lượng chức năng. Thường xuyên có những chiến dịch kiểm tra, xử lý tài xế điều khiển phương tiện mà sử dụng ma túy.

 

"Cần tuyên truyền sâu, rộng tới người sử dụng lao động, tài xế để nâng cao nhận thức pháp luật cũng như ý thức của lái xe. đối với các lái xe đường dài, chế tài hiện hành như phạt tiền, tước giấy phép lái xe, chấm dứt hợp đồng lao động… vẫn đang được áp dụng nhưng chưa đủ mạnh, chưa hiệu quả vì tài xế bị cho nghỉ việc nơi này, họ vẫn có thể đến nơi khác hành nghề. Chế tài cho hành vi này còn khá nhẹ, cần phải sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật nhằm xử lý hình sự chủ phương tiện sử dụng ma túy khi lái xe. Và cần quy trách nhiệm cho cả chủ doanh nghiệp sử dụng tài xế khi để tình trạng trên xảy ra" - bác sĩ Đỗ Trọng – nguyên Giám đốc Trung tâm cai nghiện ma túy số 5, Hà Nội