Ngân hàng dè dặt với mục tiêu kinh doanh năm 2020

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết quả kinh doanh của các ngân hàng những tháng đầu năm vẫn ghi nhận kết quả tích cực về doanh thu và lợi nhuận hợp nhất. Tuy vậy, thay vì tham vọng như các năm trước, khi đặt mục tiêu cho kết quả kinh doanh cả năm 2020, nhiều tên tuổi lớn ngành ngân hàng đều dè dặt do lo ngại tác động của dịch Covid-19.

Hoạt động nghiệp vụ tại VPBank chi nhánh Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Lợi nhuận không quá xấu
Con số được CEO VPBank đưa ra tại Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) mới đây cho thấy, cuối quý I/2020, lợi nhuận VPBank đạt hơn 2.900 tỷ đồng, song đến cuối tháng 4/2020 đã đạt xấp xỉ 4.000 tỷ đồng. Tại thời điểm ĐHCĐ, lợi nhuận ngân hàng đã vượt 5.100 tỷ đồng, bằng 50% kế hoạch cả năm và dự kiến sẽ đạt 6.000 tỷ đồng vào cuối tháng 6/2020. Còn theo Chủ tịch HĐQT VietinBank, lợi nhuận của ngân hàng đang theo kế hoạch, dự kiến hết quý II/2020 sẽ đạt khoảng 6.000 tỷ đồng trước thuế, trong khi quý I/2020, VietinBank lãi sau thuế 2.404 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ 2019.
Thông tin đến cổ đông tại ĐHCĐ thường niên ngày 16/6, Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB Đỗ Minh Toàn cho hay, tính đến 31/5/2020, lợi nhuận là 3.500 tỷ đồng, riêng ngân hàng là 3.450 tỷ đồng. Ông Toàn cho biết, trong 5 tháng vừa qua, ACB hoạt động tốt trong Bancassurance và thẻ. Đến hết tháng 6/2020, ACB có khả năng thực hiện được tối thiểu 50% kế hoạch. Chỉ tiêu lợi nhuận ngân hàng có khả năng hoàn thành kế hoạch với tiến độ như hiện tại. Theo dự kiến của các ngân hàng HDBank, TPBank và SHB... lợi nhuận 6 tháng đầu năm của các nhà băng này vẫn có thể duy trì bằng hoặc vượt mức thực hiện năm 2019.
Trong khối ngân hàng cổ phần có vốn Nhà nước, Vietcombank tăng trưởng tín dụng dương trên 2%; Đến hết tháng 5, tăng trưởng tín dụng của Vietcombank 3%. Vietcombank chuyển sang tín dụng bán lẻ, do rủi ro được phân tán nên khi có khủng hoảng rủi ro nợ xấu thấp. Dịch vụ chiếm khoảng 30 - 35%.
Nhìn vào kết quả kinh doanh những tháng đầu năm có thể thấy, bên cạnh việc duy trì từ hoạt động cho vay, các ngân hàng có các nguồn thu nhập cố định và thu nhập ngoài lãi ổn định như: Kinh doanh bảo hiểm, phát triển dịch vụ, đẩy mạnh số hóa ở những lĩnh vực mới này. 
Thận trọng các tháng cuối năm
Tuy kết quả những tháng đầu năm khả quan nhưng các ngân hàng đều dè dặt với tình hình kinh doanh cả năm 2020 do tác động của dịch bệnh. Lợi nhuận trước thuế Sacombank 5 tháng đạt 1.303 tỷ đồng, hoàn thành hơn 50% kế hoạch cả năm. Song kế hoạch kinh doanh cả năm 2020, Sacombank đề mục tiêu lợi nhuận ở mức 2.573 tỷ đồng, giảm 20% so với năm 2019.
Năm 2020, BIDV đặt mục tiêu lợi nhuận 12.500 tỷ đồng nhưng chắc chắn kế hoạch sẽ phải điều chỉnh, bởi lẽ riêng ngân hàng này đã dành hơn 200.000 tỷ đồng để cho vay ưu đãi hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19; Chưa kể hàng trăm nghìn tỷ đồng dư nợ cũ được thực hiện cơ cấu lại, giãn nợ, miễn giảm lãi, phí... theo Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tại Techcombank, ĐHCĐ ngày 20/6 vừa qua, nhà băng này cũng chỉ dè dặt với lợi nhuận tăng 1% so với năm trước, thay vì tăng trưởng hai chữ số đã đạt được suốt từ 2013 tới nay. Chủ tịch HĐQT Techcombank Hồ Hùng Anh cho biết, ngân hàng dự kiến giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2019 nhằm bổ sung nguồn vốn kinh doanh, tăng cường tỷ lệ an toàn vốn.
Các ngân hàng đã tăng chi phí dự phòng để chuẩn bị đối phó cho nguy cơ tăng nợ xấu trong năm 2020. Tổng Giám đốc một ngân hàng quy mô cho biết, với việc tái cơ cấu và giãn nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng của dịch bệnh, ngân hàng sẽ phải thoái hoàn toàn lãi dự thu. Vị Tổng Giám đốc trên ước tính, khoản lợi nhuận sụt giảm trong năm nay của ngân hàng ông có thể lên đến 2.000 - 3.000 tỷ đồng, chứ không chỉ vài trăm tỷ đồng như dự tính trước đó.
Tại Eximbank, kế hoạch xử lý các tài sản thế chấp của khách hàng có nợ xấu, nợ VAMC theo kế hoạch đầu năm buộc phải giãn tiến độ sang giai đoạn sau. Đây cũng là lý do Eximbank phải điều chỉnh giảm mục tiêu lợi nhuận thu về năm 2020 chỉ còn 1.318 tỷ đồng trước thuế, giảm tới 40% so với con số đưa ra hồi đầu năm 2020.