Ngân hàng dư vốn: Lãi tiết kiệm đồng loạt giảm

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lãi suất huy động tại các ngân hàng tiếp tục giảm thêm khoảng 0,2%/năm ở các kỳ hạn ngắn trước áp lực đầu ra thấp còn thanh khoản của toàn hệ thống dồi dào.

 Khách hàng giao dịch tại chi nhánh VietcomBank Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải

Cơ cấu lại nguồn vốn
Theo biểu lãi suất mới cập nhật, Techcombank giảm lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn với mức giảm 0,2 - 0,3%/năm. Sau khi giảm, lãi suất huy động kỳ hạn một tháng tại ngân hàng này chỉ còn 4,5%/năm, kỳ hạn 2 tháng còn 4,6%/năm. Các kỳ hạn 6 - 11 tháng còn 5,5%/năm, thay vì mức 5,8%/năm như trước đó. Trong tháng 4/2018, Techcombank đã 3 lần điều chỉnh lãi suất huy động.

Biểu lãi suất huy động gần nhất được Sacombank công bố, khách hàng gửi mới ở kỳ hạn 2 tháng có dự thưởng chỉ còn 5,2% thay vì 5,3% một năm. Ngân hàng Eximbank cuối tháng 5 cũng đã có đợt điều chỉnh lãi suất tiền gửi giảm nhẹ 0,1 - 0,2% một năm.
Phần lớn DN Việt có quy mô nhỏ, vốn ít, phần lớn vốn đều dựa vào ngân hàng, chi phí tài chính vẫn là gánh nặng. Trong bối cảnh hội nhập, để vươn ra “biển lớn” cần có hỗ trợ, trong đó hỗ trợ vay vốn giá rẻ là mong muốn của hầu hết DN. 

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội các DN vừa và nhỏ Hà Nội Mạc Quốc Anh 
Kỳ hạn 1, 2, 3 tháng lãi suất tương ứng là 4,6%/năm, 4,8%/năm và 5%/năm. Các kỳ hạn huy động dưới 12 tháng lãi suất cao nhất cũng chỉ ở mức 5,8%/năm. Tại LienVietPostBank, lãi suất kỳ hạn một tháng còn 4,4%/năm, kỳ hạn 3 tháng còn 5%/năm và kỳ hạn 6 tháng còn 5,8%/năm.

Trước đó, các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, VietinBank lãi suất thấp hơn đáng kể (khoảng 0,5 - 1%/năm), trong đó VietinBank duy trì mức lãi suất huy động thấp nhất (từ một tháng đến dưới 3 tháng cũng chỉ còn 4,1%/năm, các kỳ hạn 4 - 5 tháng còn 4,6%/năm).

Việc giảm lãi suất huy động cho thấy ngân hàng đang có nguồn vốn tương đối dồi dào, cao hơn so với cho vay. Tính đến thời điểm 31/5/2018, tín dụng toàn hệ thống tăng trưởng 6,16% so với cuối năm trước. Trong khi đó, theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, trong 5 tháng đầu năm, huy động vốn đầu vào đã tăng 7,4%. Một số NHTM đã có mức tăng tín dụng 7 - 8%, thậm chí có ngân hàng tăng hơn 9%.

Ngoài lý do cơ cấu lại nguồn vốn để tiết giảm chi phí, động thái trên chủ yếu là để cơ cấu lại nguồn vốn huy động của các nhà băng một cách hợp lý hơn. Gần đây, NHNN liên tục có các văn bản nhắc nhở, yêu cầu các ngân hàng tuân thủ Chỉ thị của Thống đốc về giới hạn an toàn vốn, nâng cao chất lượng, an toàn tín dụng vào bất động sản và tiêu dùng. “Vì e ngại rủi ro, các ngân hàng phải tính đến đưa vốn qua lĩnh vực khác” - lãnh đạo một ngân hàng chia sẻ.
  Khách hàng giao dịch tại chi nhánh LienVietPostBank.
Vừa giảm lãi suất, vừa kiểm soát lạm phát

Theo các chuyên gia, việc hạ lãi suất huy động lần này cũng được xem là cách có thể giúp các ngân hàng giảm lãi suất cho vay với các DN. Năm nay, ngành ngân hàng tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ, tiết giảm chi phí cho DN bởi đây cũng là yêu cầu của Thủ tướng trong điều hành lãi suất phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất cho vay…

Tuy nhiên, quan sát từ thị trường lãi suất cho vay chưa có dấu hiệu giảm. Thống kê từ NHNN, mặt bằng lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 6 - 9%/năm đối với ngắn hạn; 9 - 11%/năm đối với trung và dài hạn.

Hiện lãi suất đầu vào chỉ giảm với một số kỳ hạn ngắn, nhưng điều kiện để giảm lãi suất cho vay thì lãi suất kỳ hạn dài phải giảm thêm. Để lãi suất huy động giảm được lâu dài thì lạm phát phải giảm. Trong tháng 5, tháng 6, lạm phát có dấu hiệu tăng. Lãi suất USD được dự báo tăng sẽ tác động tới tỷ giá USD/VND, ảnh hưởng tới lãi suất VND và khiến lạm phát tăng lên. Các chuyên gia dự báo, nếu đà giảm lãi suất huy động mạnh hơn thì lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên sẽ giảm trước, trong khi lãi suất cho vay các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro sẽ khó được điều chỉnh, bởi NHNN không khuyến khích cho vay đối với các lĩnh vực này.
Kết hợp nhiều yếu tố để giảm lãi suất

Lãi suất cho vay có giảm được hay không phụ thuộc vào tỷ giá và lãi suất đầu vào. Xét trên diễn biến thị trường tiền tệ thanh khoản dồi dào nhưng với những phiên tỷ giá tăng vừa qua cho thấy tác động từ các đồng tiền quốc tế và lãi suất đồng USD được dự báo tiếp tục tăng khiến nhà điều hành trở nên thận trọng. Nói vậy nhưng quyết tâm vẫn có thể giảm chút. Phải kết hợp hài hòa chính sách tài khóa, tiền tệ, bất động sản và một số chính sách khác để tạo sự ổn định cho VND cộng với yếu tố khác là tình hình kết quả kinh doanh của các NHTM, giảm lãi suất nếu có thể ở các ngân hàng có thanh khoản tốt và tiết giảm chi phí hoạt động. 

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu