Ngân hàng ráo riết xử lý nợ xấu

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu trong hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đến nay đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã giảm xuống dưới 2%. Sau Công ty quản lý tài sản VAMC, nhiều ngân hàng thương mại cũng ráo riết thu hồi các tài sản đảm bảo để xử lý nợ xấu cuối năm.

 Hoạt động nghiệp vụ tại BIDV, chi nhánh Hà Nội. Ảnh: Việt Linh
Nợ xấu nội bảng về dưới 2%

Theo báo cáo mới nhất của NHNN, tính từ năm 2012 đến cuối tháng 6/2019, ước tính toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 937,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó riêng trong năm 2018, đã xử lý được 163,14 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ước đến cuối tháng 6/2019 dưới 2% (1,91%), ngưỡng yêu cầu của Chính phủ đặt ra tại Nghị quyết số 01 vừa ban hành đầu năm nay.
NHNN cho biết sẽ tiếp tục triển khai đề án cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020. Trong đó, tập trung xử lý hiệu quả các TCTD yếu kém; chấn chỉnh hệ thống quỹ tín dụng Nhân dân; tăng cường thanh tra, giám sát, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các TCTD.

Về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội, lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 6/2019, toàn hệ thống ước đã xử lý được 264,06 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42, trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng là 127,641 nghìn tỷ đồng. “Kết quả xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 theo hình thức khách hàng trả nợ có xu hướng tăng, phần nào phản ánh ý thức trả nợ của khách hàng đã cải thiện khi TCTD, Công ty Quản lý tài sản VAMC có quyền thu giữ tài sản bảo đảm theo Nghị quyết số 42” - NHNN đánh giá.

Đại diện BIDV cho hay, ngân hàng này sẽ tăng cường các biện pháp thu hồi nợ tiềm ẩn rủi ro, nợ xấu nội - ngoại bảng và tất toán toàn bộ số trái phiếu VAMC trong năm nay. Việc xử lý nợ xấu cũng được Sacombank triển khai ráo riết. Năm 2018, ngân hàng này đặt ra mục tiêu giảm thêm 10.000 - 15.000 tỷ đồng nợ xấu và đã xử lý được 13.000 tỷ đồng. Năm 2019, Sacombank đặt mục tiêu kéo tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 2% và tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu với mục tiêu tối thiểu phải xử lý được 10.000 - 15.000 tỷ đồng. Trong quý I/2019 Sacombank đã xử lý được trên 5.000 tỷ đồng. Tính đến nay, có 6 ngân hàng công bố đã mua lại toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC là Vietcombank, Techcombank, ACB, MB, VIB và OCB.

Chật vật bán tài sản đảm bảo

Mặc dù đã có những bước tiến đáng kể trong công cuộc xử lý nợ xấu, song lượng nợ xấu còn tồn trong ngân hàng vẫn rất lớn. Trong khi nợ xấu chưa xử lý xong, nguy cơ phát sinh các khoản nợ mới chuyển thành nợ xấu vẫn luôn rình rập sau thời gian tăng trưởng tín dụng khá cao. Thực tế, nợ xấu của một số ngân hàng có dấu hiệu tăng lên vào cuối năm qua trong bối cảnh nợ toàn ngành giảm do các khoản nợ đã bán cho VAMC quay trở về. Vì vậy, đây là thời điểm tròn 5 năm đã trôi qua, lượng trái phiếu đặc biệt lần lượt đáo hạn, các TCTD nhận lại những khoản nợ xấu dẫn đến nợ xấu nội bảng tăng lên.

Theo NHNN, tính đến cuối tháng 3/2019, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu nằm ở VAMC và nợ tiềm ẩn của toàn hệ thống còn 5,65%. Còn theo thống kê từ báo cáo tài chính của các ngân hàng, đến cuối quý I/2019, nợ xấu tại 22 ngân hàng còn tới hơn 84.200 tỷ đồng, tăng 5,6% so với thời điểm đầu năm. Trong đó nợ có khả năng mất vốn cũng tăng lên mức hơn 46.400 tỷ đồng. Nợ tiềm ẩn gia tăng khi tốc độ tăng trưởng dư nợ cho vay của 22 ngân hàng này ở mức 3,46%, dẫn tới tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay nói chung tăng từ mức 1,62% lên 1,66%.

Thời gian gần đây, liên tiếp các vụ thu hồi tài sản đảm bảo có giá trị hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng được tiến hành với mong muốn đẩy nhanh tiến độ thu hồi các khoản nợ xấu. Tại các ngân hàng khác như Agribank và Vietcombank, nhiều tài sản thế chấp được đăng tải liên tục trên website của ngân hàng này để bán đấu giá. Ngoài bất động sản, các ngân hàng còn thanh lý nhiều tài sản khác như ô tô, tàu biển…

Nghị quyết 42 được ban hành đã giúp các ngân hàng được chủ động hơn trong việc phát mãi, thu hồi nợ xấu. Tuy nhiên, theo các ngân hàng, quá trình xử lý tài sản đảm bảo vẫn còn nhiều vướng mắc và mất thời gian. Cụ thể, không ít tài sản đã trải qua nhiều lần đấu giá nhưng vẫn chưa tìm được người mua, dù giá bán đã giảm rất nhiều sau mỗi lần đấu giá không thành công.

Theo các chuyên gia, cần phát triển thị trường mua bán nợ nhưng hiện vẫn chưa có khung pháp lý cho thị trường này. Được biết, Vụ Tài chính - Ngân hàng (Bộ Tài chính) được giao chủ trì dự thảo Nghị định của Chính phủ về hoạt động kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, tiến độ thực hiện trong 2 năm 2018 - 2019. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có Dự thảo Nghị định này.