Ngân hàng sống khỏe, doanh nghiệp lao đao

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi các DN đang vật lộn với hàng loạt khó khăn, thậm chí phá sản thì ngành ngân hàng (NH) lại lãi lớn. Nhiều chuyên gia đánh giá, đây chính là điều bất thường của nền kinh tế.

Hoạt động nghiệp vụ tại SHB, chi nhánh Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Ngân hàng lãi lớn
Năm 2020, ghi nhận hàng loạt NH có lợi nhuận tăng ấn tượng. Trong đó, nhiều NH từng đề xuất điều chỉnh kế hoạch kinh doanh hồi giữa năm vì lo ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vẫn đạt lợi nhuận nghìn tỷ. Sang năm 2021, NH có thể tiếp tục lãi lớn. Trong báo cáo mới đây, SSI ước tính lợi nhuận trước thuế quý I/2021 của nhóm NH niêm yết được nghiên cứu sẽ tăng từ 55 - 65% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, các NHTM có khả năng sẽ đạt được mức tăng trưởng ngoạn mục, khoảng 75 - 85% so với cùng kỳ. Các NHTM cổ phần dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế khoảng 45 - 55% so với cùng kỳ. Theo FiinGroup, dự báo các NHTM cổ phần sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế năm 2021 cao hơn so với mức tăng trưởng của năm 2020. Cụ thể, lợi nhuận năm 2021 của 12/26 NH niêm yết (chiếm 86,3% vốn hóa của khối NH) có thể tăng 18,2% so với mức tăng 14,9% trong năm 2020.

NH lãi lớn khiến nhiều DN kỳ vọng, trông chờ vào một mặt bằng lãi suất “dễ thở” hơn. Song thực tế lại diễn ra ngược lại. Trong khi lãi suất huy động đang ở ngưỡng thấp thì mức lãi suất cho vay vẫn cao. Hiện các NH tư nhân đang áp mức lãi vay cao trên 8%/năm. Trong đó, Techcombank có lãi thấp nhất trong khối với 8,29%/năm. Nhóm các NH quốc doanh lớn đều có mức lãi suất cho vay dao động từ 7,3 - 7,7%/năm.

Doanh nghiệp khó chồng khó

Công ty Quốc tế Delta – DN chuyên cung cấp dịch vụ logistics, một trong những ngành nghề chịu tác động nặng nề bởi dịch Covid-19 trong hơn một năm qua. Giám đốc Công ty Quốc tế Delta Trần Đức Nghĩa cho biết, hiện công ty vẫn phải đi vay với lãi suất trung và dài hạn ở mức cao là trên 10%, còn ngắn hạn 8 - 9% mỗi năm. Đại diện một DN vận tải tại Hà Nội kể, muốn vay 5 tỷ đồng kỳ hạn 4 năm để mua ô tô tải phục vụ hoạt động vận chuyển, DN phải trả lãi suất năm đầu là 8,7%/năm, các năm sau cộng biên độ 4,3%/năm. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều DN thuộc những lĩnh vực không nằm trong nhóm ưu tiên, họ đang phải vay vốn kỳ 6 tháng với lãi suất ở mức 7,5%/năm, nhưng 3 tháng sau sẽ điều chỉnh, khi đó lãi cho vay tăng lên khoảng 8,5 - 9%/năm. Điều này khiến việc kinh doanh giữa thời điểm dịch bệnh của DN gặp khó khăn.

Theo Tổng Cục Thống kê, trong quý đầu tiên của năm 2021 đã có hơn 40.000 DN rời thị trường, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Một chuyên gia kinh tế nhận định, nhiều năm qua, bất kể kinh tế thuận lợi hay khó khăn, DN làm ăn được hoặc không thì những con số lợi nhuận hàng nghìn tỷ của khá nhiều NH vẫn được báo cáo khá đẹp cuối năm. Lợi nhuận của nhiều NH vẫn tăng cho thấy hầu như các nhà băng chưa thật sự chia sẻ khó khăn với nền kinh tế. Lãi suất cho vay giảm chậm hơn mức giảm của lãi suất tiền gửi trong năm 2020, đã khiến biên lãi ròng (NIM) của hầu hết các NHTM đã tăng rất mạnh trong nửa cuối năm 2020 và hiện ở mức cao lịch sử, khoảng 4%.

Cứu doanh nghiệp để cộng sinh

Theo số liệu thống kê, trong tổng số khoảng 750.000 DN đang hoạt động thì có đến hơn 60% là DN có quy mô siêu nhỏ, với đặc điểm chủ yếu là năng lực quản lý điều hành hạn chế, trang thiết bị lạc hậu, gặp nhiều khó khăn dẫn đến năng suất và chất lượng chưa cao. Do vậy, kênh dẫn vốn chủ yếu của nhóm đối tượng này vẫn là tín dụng NH, 2 kênh dẫn vốn còn lại là cổ phiếu và trái phiếu rất khó tiếp cận với nhóm DN này. Vì thế, các NH cần hỗ trợ cho DN trong tiếp cận vốn tín dụng.

TS. Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm: "DN với NH là cộng sinh. DN ăn nên làm ra thì NH cũng phát triển. Nhưng lúc DN khốn đốn, NH cần chia sẻ mạnh hơn nữa. Thời gian qua NH đã cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi suất... là rất tốt nhưng DN vẫn khó khăn do dịch Covid-19. Do đó, NH cần giảm bớt lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay mà cứu DN" - ông Hiếu nói.

Theo PGS.TS Đỗ Hoài Linh – Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế quốc dân, năm 2020 có sự bùng nổ tham gia vào thị trường chứng khoán với dòng vốn lớn của các nhà đầu tư cũ và mới; đặc biệt khi tăng trưởng tín dụng lớn hơn 2,5 lần tỷ lệ tăng trưởng GDP thì những quan ngại về việc một phần dòng vốn tín dụng đã được chảy vào các khu vực phi sản xuất trong đó có chứng khoán, bất động sản… là hoàn toàn có cơ sở. Thay vì vốn vào sản xuất kinh doanh, NH lại đổ vào cho vay ở các lĩnh vực chấp nhận lãi suất cao, các kênh sinh lời cao nhưng rủi ro. Do đó, NHNN cần giám sát để dòng vốn nới lỏng chảy vào đúng chỗ.

NH “ngồi trên đống tiền” trong khi DN thì khát vốn. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn khi dịch Covid-19 chưa biến mất này, ngành NH có nhằm mục tiêu lợi nhuận hay tiếp tục chia sẻ với nhà đầu tư, DN, người dân để hỗ trợ phát triển sản xuất hoàn toàn tùy thuộc vào việc có cảm thông, đồng hành với DN hay không.

PGS.TS Đỗ Hoài Linh – Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế quốc dân

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần