Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hành động nóng để cứu ngành bất động sản

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) lần đầu tiên đã hạ lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm kể từ tháng 6/2023, nối dài các nỗ lực để vực dậy thị trường bất động sản.

Trung Quốc giảm lãi suất cho vay kỳ hạn 5 năm lần đầu tiên trong 8 tháng. Ảnh: AP
Trung Quốc giảm lãi suất cho vay kỳ hạn 5 năm lần đầu tiên trong 8 tháng. Ảnh: AP

Trong thông báo đưa ra ngày 20/2, PBoC giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm ở mức 3,45%. Đây là lãi suất tham chiếu cho các khoản vay hộ gia đình và doanh nghiệp ở Trung Quốc.

Trong khi đó, PBoC giảm lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm ở mức 25 điểm cơ bản xuống còn 3,95%, đây là lãi suất tham chiếu cho các khoản cho vay thế chấp.

Mức giảm này cao hơn nhiều so với dự báo 5-15 điểm cơ bản của các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Reuters. Đây cũng là lần đầu tiên PBoC giảm lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm kể từ tháng 6/2023.

Đợt hạ lãi suất cho vay kỳ hạn 5 năm lần này cũng là đợt cắt giảm lớn nhất kể từ khi Trung Quốc cải tổ cơ chế định giá khoản vay vào năm 2019.

Louise Loo, trưởng bộ phận kinh tế tại Oxford Economics nhận định với đài CNBC: “Quyết định mới nhất của PBoC cho thấy Chính phủ Trung Quốc đang muốn dành sự hỗ trợ lớn nhất cho lĩnh vực bất động sản. Với những người mua nhà tiềm năng, chi phí tài trợ cho việc mua nhà đã thấp hơn rất nhiều".

Tuy nhiên, chuyên gia Loo cho rằng hiệu quả từ việc nới lỏng chính sách lần này đối với thị trường cần có thời gian kiểm chứng.

Mặc dù mức lãi suất có hiệu lực ngay lập tức, nhưng những người nắm giữ tài sản thế chấp hiện tại sẽ không được hưởng lợi từ việc giảm số tiền hoàn trả khoản vay cho đến năm sau, vì việc định giá lại lãi suất thế chấp được thực hiện hàng năm.

Động thái này được PBoC đưa ra sau khi đồng nhân dân tệ trượt xuống mức thấp nhất kể từ ngày 20/11/2023 trong giao dịch nước ngoài vào tuần trước.

Chiến lược gia tiền tệ Christopher Wong tại công ty OCBC ở Singapore, cho biết: “Đây là mức cắt giảm đáng kể, cho thấy các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đang nghiêm túc trong việc thúc đẩy nền kinh tế. Quyết định mới nhất về lãi suất cho vay cũng sẽ hỗ trợ cho các loại tiền tệ được ủy quyền rủi ro, bao gồm cả đồng đô la của Australia”.

Trước đó, hôm 5/2 vừa qua, Trung Quốc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 50 điểm cơ bản, từ đó “bơm” thêm 1.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương gần 140 tỷ USD) vốn dài hạn vào hệ thống. Chính quyền Bắc Kinh cũng kêu gọi các ngân hàng hỗ trợ cho vay đối với những tập đoàn phát triển bất động sản chất lượng cao.

Hiện nền kinh tế số hai thế giới đang chật vật đối phó cuộc khủng hoảng bất động sản và nhu cầu tiêu dùng ảm đạm. Thị trường bất động sản Trung Quốc rơi vào vòng xoáy khủng hoảng kể từ khi Bắc Kinh đưa ra chính sách 3 lằn ranh đỏ, từ đó hạn chế khả năng vay nợ của các doanh nghiệp.

Theo dữ liệu mới nhất, chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc trong tháng 1 chứng kiến mức giảm mạnh nhất trong hơn 14 năm, gia tăng áp lực buộc các nhà hoạch định chính sách phải làm nhiều hơn để vực dậy nền kinh tế đang thiếu niềm tin và đối mặt với rủi ro giảm phát.

Trung Quốc đang rơi vào thế khó khi chính sách tiền tệ nới lỏng hơn có thể dẫn đến chi phí tài trợ thấp hơn và thúc đẩy nhiều hoạt động kinh tế hơn. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách đang cố gắng tránh sự mất giá của đồng nhân dân tệ so với đồng USD trong bối cảnh kỳ vọng vào việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang bị đẩy lùi do lạm phát nước này vẫn ở mức cao. Mặc dù đồng nội tệ yếu hơn có thể mang lại động lực cho các nhà xuất khẩu nhưng nó cũng có thể làm tăng nguy cơ tháo chạy của dòng vốn.