Cơ quan chức năng đã ban hành nhiều quy định nhằm ngăn chặn tình trạng này, thậm chí tăng nặng mức xử phạt, song điều đó vẫn chưa hoàn toàn xóa triệt để vi phạm trật tự xây dựng. Vấn đề này một lần nữa được làm nóng trong nghị trường, khi một số đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.
Có đại biểu nêu: Qua tiếp xúc cử tri, cử tri phản ánh có tình trạng người dân sửa nhà trong ngõ sâu nhưng thanh tra xây dựng vẫn nắm được, trong khi nhiều công trình lớn, thậm chí là có công trình cao ốc ngay mặt đường xây dựng sai phép nhưng cơ quan chức năng vẫn không phát hiện ra. Cử tri băn khoan, liệu có tham nhũng, tiêu cực trong vấn đề này hay không? Trách nhiệm của mỗi cơ quan chức năng; giải pháp ngăn ngừa ra sao?...
Liên quan tới xử lý vi phạm trật tự xây dựng hành chính, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, đã có quy định đầy đủ, xử lý hành vi phạm và chế tài rất rõ. Lý giải đặc thù của công trình xây dựng, các vi phạm rất khó khắc phục hậu quả; các trường hợp buộc phải phá dỡ đều đẫn đến lãng phí nguồn lực xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, giải pháp khắc phục và phòng ngừa từ sớm luôn là ưu tiên trong nhiệm vụ quản lý Nhà nước của ngành xây dựng.
Bộ Xây dựng đã tham mưu Chính phủ ban hành hệ thống văn bản pháp luật về quản lý trật tự xây dựng, đến nay tương đối đầy đủ và đồng bộ. Cơ bản điều chỉnh được những hoạt động xây dựng, nội dung quy định về trật tự xây dựng ngày càng chặt chẽ, các biện pháp xử lý vi phạm ngày càng nghiêm khắc, theo hướng tăng nặng xử phạt và buộc tháo gỡ.
Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tập trung hoàn thiện pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong quy hoạch, hoạt động đầu tư xây dựng để xử lý, đảm bảo chặt chẽ, khả thi hơn nhằm giảm dần vi phạm trong thời gian tới. Thứ hai, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương quan tâm, bố trí kinh phí hàng năm cho công tác quy hoạch, thiết kế đô thị; tăng cường trách nhiệm của địa phương trong công tác quản lý địa bàn, quản lý xây dựng…
Với Hà Nội, nhìn nhận thực tế cho thấy, sau một thời gian thực hiện Đề án thí điểm Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị cấp quận, huyện, thị xã, số lượng các vụ việc vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn đã giảm rõ rệt. Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, tỷ lệ công trình có phép, miễn phép trên địa bàn TP tăng 01% (từ 97,77% lên 98,77%). Tỷ lệ công trình có vi phạm trên tổng số công trình xây dựng giảm 1,46% (tương ứng tỷ lệ 25,35%), từ 5,76% xuống 4,30%.
Bên cạnh đó, số lượng công trình có vi phạm giảm 651 trường hợp (tương ứng giảm 35,55% so với 18 tháng trước khi thực hiện thí điểm mô hình), từ 1,831 trường hợp còn 1.180 trường hợp.
Nhiều chuyên gia đánh giá, mô hình thí điểm Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị cấp quận, huyện, thị xã đã góp phần giảm thiểu tỷ lệ công trình xây dựng sai phép, không phép so với trước.
Tuy nhiên, để ngăn chặn có hiệu quả, ngoài việc tăng mạnh chế tài xử phạt, cần tiếp tục xử lý nghiêm minh, tăng gắn trách nhiệm, quy trách nhiệm cán bộ cơ sở để xảy ra vi phạm. Bởi thực tế, sai phạm trong xây dựng vẫn xảy ra, với “muôn hình vạn trạng” hình thức vi phạm nên cần những biện pháp ngăn ngừa từ trong “trứng nước”.
Một trong những vụ việc nổi cộm trong thời gian gần đây là tòa nhà xây dựng tại khu biệt thự 5,2ha, phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy). Vụ việc khiến dư luận rất quan tâm, các cơ quan chức năng đã vào cuộc và có những hướng xử lý theo quy định của pháp luật.
Đến nay, thời gian thí điểm mô hình Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị cấp quận, huyện, thị xã còn chưa đến một năm (đến hết ngày 10/8/2023). Vì vậy, đã đến lúc các cấp, ngành có kế hoạch tổng kết, rút kinh nghiệm, nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện về mô hình này và có đề xuất phù hợp với tình hình thực tiễn tại Hà Nội nói riêng và các TP lớn nói chung.